10:06 25/07/2008

“Nhập siêu có thể đảm bảo mức dự kiến”

Hương Loan

Mức nhập siêu dự tính 22 tỷ USD năm nay của Việt Nam có nhiều khả năng "giữ" được

"Có lẽ Chính phủ sẽ có chỉ thị nới lỏng biên độ cho vay đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, những đơn vị có khả năng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm."
"Có lẽ Chính phủ sẽ có chỉ thị nới lỏng biên độ cho vay đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, những đơn vị có khả năng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm."
Mức nhập siêu dự tính 22 tỷ USD năm nay của Việt Nam có nhiều khả năng "giữ" được.

Nhận định này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu đưa ra trong cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới xoay quanh chuyện xuất nhập khẩu năm nay.

Cố gắng chỉ nhập khẩu khoảng 80,2 tỷ USD

Theo ông, con số nhập siêu dự kiến của Chính phủ liệu có khả thi không?

Từ nay đến cuối năm, nếu chúng ta phấn đấu kiềm chế lạm phát tốt thì kế hoạch xuất khẩu dự kiến sẽ đạt khoảng 61,2 tỷ USD và tăng khoảng 34,5% so với năm ngoái. Đây là mức vượt yêu cầu của Chính phủ đề ra.

Về vấn đề hạn chế nhập siêu, chúng ta cố gắng chỉ nhập khẩu khoảng 80,2 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 30% so với xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số nhập siêu 6 tháng là 16,9 tỷ USD, riêng tháng 6 chỉ còn 1,3 tỷ USD, tới tháng 7 này là dưới 1 tỷ USD thì có thể vẫn đảm bảo được mức nhập siêu dự kiến là 22 tỷ USD của cả năm.

Để giảm nhập siêu thì đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng hiện khó khăn đang chồng chất lên lưng doanh nghiệp xuất khẩu...

Theo tôi, trước hết bản thân các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực của mình; huy động các nguồn đầu tư để tăng công suất; tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí đầu vào, để chúng ta không phải căng thẳng khi giá cả và nhiên liệu xăng dầu thế giới tăng cao.

Cũng chỉ có bằng cách đó thì những sản phẩm xuất khẩu của chúng ta mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Thứ hai, đối với các cơ quan quản lý nhà nước như: hải quan, thuế, cơ quan xuất nhập khẩu, cấp C/O của phòng thương mại,… cần phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, cần phải tận tình hơn nữa, làm thêm giờ, tiết giảm đi các thủ tục để bớt căng thẳng cho doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Thứ ba, cái quan trọng nhất hiện nay là vấn đề về vốn, cung cấp vốn cho hoạt động sản xuất những mặt hàng xuất khẩu. Việc thắt chặt tiền tệ, huy động vốn khó, cho vay lãi suất cao… khiến doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.

Có lẽ Chính phủ sẽ có chỉ thị nới lỏng biên độ cho vay đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, những đơn vị có khả năng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, những đơn vị thực hiện giải pháp, đề án, chiến lược xuất khẩu của Chính phủ.

Ví dụ, trước kia doanh nghiệp được vay 30%, nay có thể là cho vay nhiều hơn.

Nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, thì khả năng giảm dần lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng có thể xảy ra, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, các quỹ tín dụng phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho chế biến, rồi đảm bảo tỷ giá hài hòa sao cho có lợi cho doanh nghiệp thì mới khuyến khích được xuất khẩu.

Thứ tư là, giải quyết lao động hài hòa giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Hiện nay chuyện thiếu lao động, chuyện đình công, bãi công ở những ngành nghề thu hút nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủ công… đang xảy ra trên diện rộng.

Để giải quyết triệt để những vấn đề, Ban Bí thư cùng thường trực Chính phủ cũng đã có những hội nghị chuyên đề bàn về những vấn đề này.

Thứ năm là vấn đề điện, phải có những ưu tiên nhất định cho những đơn vị xuất khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát ngành điện xem lý do cắt điện có đúng không, cắt có báo trước không, lịch cắt có phù không.

Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ thành lập tổ công tác nhằm kiểm tra đột xuất các đầu nguồn cung cấp điện trên toàn quốc; kiểm tra ngay từ các dự án điện mới đưa vào vận hành; cùng thanh tra điện lực giám sát các đơn vị cung cấp điện.

Đồng thời Bộ sẽ chỉ đạo các sở công thương có lộ trình ưu tiên cung cấp điện cụ thể cho các đơn vị sản xuất trên địa bàn. Nếu những đơn vị này vi phạm hợp đồng cung ứng điện cho doanh nghiệp, đơn vị đó sẽ bị xử lý

Kinh tế cuối năm có thể “đỡ” hơn

Còn đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu thì sao?

Đối với các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như: vàng, rượu ngoại, mỹ phẩm, điện thoại di động, ô tô dưới 9 chỗ ngồi và linh kiện… ngoài việc tăng thuế, các biện pháp về phí, thì Chính phủ còn phối hợp với ngân hàng không cho vay tiền đối với những doanh nghiệp khẩu các loại hàng này.

Cũng có thể sẽ dùng các biện pháp hành chính, như không khuyến khích xuất khẩu phôi thép thì phải dùng giấy phép để quản lý ngành thép.

Ông đánh giá thế nào về giá cả các mặt hàng những tháng cuối năm, khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay?

Từ nay đến cuối năm, khi xăng dầu lên giá sẽ có một số mặt hàng khác cũng tăng theo. Đây là việc hình thành mức giá mới ngang bằng với mặt bằng chung trên thế giới khi Việt Nam hội nhập.

Tôi tin rằng, trong điều kiện chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt của Chính phủ thì kinh tế trong 6 tháng cuối năm có khả năng sẽ “đỡ” hơn.