Cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh
Trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội đề nghị phải làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh...
Thảo luận ở hội trường chiều ngày 27/6/2024, về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông, nêu thực tế, cháy đã trở thành một từ khóa không khó tìm trên các trang thông tin, mạng xã hội. Cháy với rất nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau nhưng điều đáng nói là trong một số trường hợp cháy không biết chạy đi đâu và cũng không thể chạy được, bởi bao quanh là khung sắt, "chuồng cọp"... Đây là một thực trạng rất đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua ở rất nhiều nơi, với rất nhiều cấp độ khác nhau...
LÀM RÕ HƠN TÍNH KHẢ THI, GIẢI PHÁP NGĂN CHÁY GIỮA KHU VỰC ĐỂ Ở VỚI KINH DOANH
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh điều này sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về phòng cháy đối với nhà ở, theo đại biểu đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là với loại hình nhà ở trong thành phố như ngõ, hẻm, chung cư.. thời gian vừa qua xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Tuy nhiên theo đại biểu, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể cùng với đó là các quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 khi đưa ra các quy định cụ thể cần phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng đối với nhà ở thành thị và nhà ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo thi hành trong thực tiễn.
Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về tính khả thi, giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh. Đặc biệt, cần điều tra, khảo sát, đánh giá tác động một cách cụ thể, kỹ lưỡng, nhất là đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh để quy định một cách chặt chẽ, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện luật.
Cùng quan điểm vấn đề về phòng cháy, chữa cháy đối với các loại nhà ở, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, đề nghị có quy định thêm phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh và cho lưu trú để khắc phục bất cập hiện nay, vì loại hình này rất nguy hiểm và cháy, nổ thường xảy ra.
Còn đại biểu Vũ Thị Liên Hương, đoàn Quảng Ngãi, đề nghị đối với nhà ở kết hợp kinh doanh ngoài việc yêu cầu điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà quy định tại khoản 1 thì dự thảo luật quy định “phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực…" Cần bổ sung thêm một khoản quy định điều kiện phòng cháy cao hơn đối với các đô thị có mật độ dân cư cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.
“Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm, hệ lụy mà do quá trình đô thị hóa, nhu cầu nhà ở và kinh doanh đã bỏ qua các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu Hương nói.
Thực tế thời gian qua một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập đó là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật, như là xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tự ý thiết kế nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ hoặc ngăn phòng nhằm mục đích kinh doanh... dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, đoàn Kon Tum, để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, bảo đảm cho người và tài sản trong quá trình khai thác, sử dụng lại không phải là vấn đề đơn giản, có trường hợp phải đập đi để xây lại mới mới đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật.
Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn bắt buộc theo quy định hiện hành quá cao, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trước tình hình trên, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định để giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy; giao bộ, ngành tham mưu Chính phủ có giải pháp cụ thể, giải pháp bổ sung, giải pháp thay thế cho các quy định hiện hành để tháo gỡ từng nhóm công trình theo hướng tiết kiệm nhất cho chủ cơ sở nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ TƯ VẤN, THIẾT KẾ HỆ THỐNG ĐIỆN
Theo các đại biểu, dự án luật Chính phủ trình Quốc hội đảm bảo thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời phù hợp và kịp thời trước thực trạng tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn xảy ra ngày càng nhiều, với hậu quả nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua.
Với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính để thực hiện hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy nổ, sự cố tai nạn gây ra, ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum, kiến nghị cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước kết hợp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Điều này nhằm phục vụ công tác phòng ngừa đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất về số vụ và thiệt hại do cháy nổ, sự cố tai nạn gây ra, góp phần ổn định về an ninh, trật tự và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nhằm bổ sung đầy đủ quy định để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập đang diễn ra trong thực tiễn, ông Thanh đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, nội dung: “Nghiêm cấm việc người được giao nhiệm vụ, thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình hoặc có hành vi khác tiếp tay, giúp sức cho việc thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình; chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới không đảm bảo các điều kiện theo quy định của luật về phòng cháy và chữa cháy”.
Thực tế ở nhiều địa phương để xảy ra tình trạng người được giao trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không kiểm tra, ngăn chặn, xử lý sai phạm, thậm chí có trường hợp tiếp tay, giúp sức cho các sai phạm trong thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình và chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới.
Theo đại biểu, đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều vụ cháy nổ, tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, trong đó có những vụ việc đáng tiếc xảy ra ở một số thành phố lớn mà cử tri và nhân dân đang quan tâm và lo lắng.
Quan tâm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong cung ứng điện, đảm bảo chất lượng đối với thiết bị điện được quy định trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn Quảng Bình, nhận thấy cần xem xét, cân nhắc đối với quy định đơn vị điện lực có trách nhiệm thực hiện, duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy với hệ thống điện truyền tải.
Đại biểu khuyến nghị kịp thời lắp đặt, sử dụng, đảm bảo an toàn đối với hệ thống thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi ký hợp đồng bán điện và trong quá trình sử dụng điện. Đồng thời, liên quan đến trách nhiệm khuyến cáo của nhà sản xuất, cung cấp thiết bị điện, bảo đảm an toàn thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với khách hàng có hồ sơ thiết kế về hệ thống điện, đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn điện.
Việc đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy về điện là trách nhiệm của đơn vị thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy theo quy định.