Cháy nhà, bỏ quên trẻ trong ô tô: Thói tắc trách vẫn tái diễn
Những vụ hỏa hoạn vừa qua ở Hà Nội hoặc trẻ em bị bỏ quên trên xe ô tô là những rủi ro gây ra thiệt hại, mất mát to lớn về người, tài sản của nhân dân. Đã đến lúc cần phải quản lý, quản trị rủi ro một cách bài bản, tránh không để tai nạn xảy ra rồi mới thanh tra, kiểm tra.
Từ lâu, trong văn hóa dân gian người Việt đã có câu thành ngữ khá quen thuộc: “cháy nhà ra mặt chuột” nhằm chỉ ra những cái xấu bị lộ mặt khi có biến cố nguy hiểm xảy ra. Cháy nhà chung cư hay chuyện để quên trẻ nhỏ trên xe ô tô mới đây không phải xảy ra lần đầu. Những nguyên nhân gây ra rủi ro gây cháy, chết người đều được “vạch mặt”.
THẢM HỌA PHƠI BỲ VI PHẠM QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Trong thời gian gần đây, không ít vụ việc cháy chung cư đã được nêu tên. Chỉ tính ở Hà Nội, cách đây gần 9 tháng, vào đêm 12/9/2023 trên địa bàn phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xảy một vụ cháy chung cư mini với khoảng 150 người sinh sống, 56 người bị tử vong.
Gần đây nhất, rạng sáng ngày 24/5/2024, ngôi nhà số 1, ngách 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, bốc cháy. Khu vực cháy gồm nhà 2 tầng, một tum bố trí sân phơi và một dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, hành lang hở phía trước. Kết nối giữa hai ngôi nhà là khoảng sân hở khoảng 55m2 được bố trí để xe máy, xe đạp điện. Vụ cháy đã làm cho 14 người thiệt mạng.
Tiếp đó vào sáng ngày 30/5/2024 lại xảy ra vụ cháy nhà dân kết hợp cho thuê trọ tại địa chỉ số 7, ngõ 73 (Tổ 1, Ba La, phường Phú Lương, quận Hà Đông). Khu vực cháy xảy ra cháy tại tầng 1 của ngôi nhà để ở kết hợp cho thuê trọ cao 3 tầng, diện tích khoảng 30m2, ngôi nhà có 9 người sinh sống. May mắn, vụ cháy này 9 người trong ngôi nhà đều được cứu hộ an toàn...
Kết quả kiểm tra cho thấy việc quản lý, quản trị rủi ro hiện nay rất đáng lo ngại. Có thể nói đây chính là rủi ro mang tính hệ thống, liên quan đến quy trình kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ cho thuê nhà. Người dân có quyền cung cấp dịch vụ nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật, nếu không, chính quyền không cho phép làm dịch vụ.
Riêng thảm họa bỏ quên trẻ trên xe ô tô tính từ năm 2019 đến nay cũng không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra. Có những vụ gây chết người rất thương tâm như vụ xảy ra vào ngày 6/8/2019 tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, cơ sở tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Gần một tháng sau đó, vào ngày 13/9/2021 lại xảy ra vụ một cháu bé 3 tuổi của một cơ sở mầm non thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh bị bỏ quên trên ô tô. May mắn do tài xế mở cửa kính ở ghế lái và đỗ xe dưới bóng cây và lái xe đã phát hiện trong vòng 7 giờ nên cháu bé đã được cứu sống.
“Nóng” nhất là ngày 29/5/2024 tại Thái Bình lại xảy ra việc bỏ quên trẻ mầm non trên xe ô tô của Trường mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 tại xã Phú Xuân, TP. Thái Bình. Sự việc xảy ra ở Thái Bình cũng khá giống với những gì đã diễn ra ở trường Gateway, Hà Nội. Đó là tài xế không kiểm tra xe trước khi đóng cửa, rời khỏi xe. Cô giáo và nhà trường điểm danh, phát hiện vắng mặt cháu nhưng không báo cho phụ huynh biết, cũng không ai tìm hiểu tại sao cháu vắng mặt.
Hầu hết các vụ việc cháy nhà, để quên trẻ trên xe đều là những rủi ro gây nên thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân. Các nguyên nhân gây nên rủi ro đều được làm “lộ mặt”. Đó là việc không thực hiện đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy cho từng loại nhà.
Cụ thể, nhiều chủ ngôi nhà không đảm bảo lối thoát nạn cho ngôi nhà, hệ thống điện thiết kế không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn về điện. Các quy định về bố trí trang bị bình chữa cháy, thiết bị cứu nạn như thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà không đầy đủ, thậm chí không có hoặc bố trí không hợp lý... Một số nơi vẫn còn để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồ đạc, vật dụng trong nhà sắp đặt không khoa học gây cản trở các lối thoát nạn trong nhà...
Việc bỏ quên trẻ trên xe ô tô cũng đã được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án và làm rõ nguyên nhân. Đó là sự tắc trách trong quản lý đưa đón học sinh của hàng loạt người lớn trong các cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ vận tải, trong quản lý dịch vụ loại hình vận chuyển trẻ em đặc biệt này. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung nguyên nhân “Hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô” (“Forgotten baby syndrome”) mà các nhà khoa học thần kinh trên thế giới đã chỉ ra để có giải pháp khắc phục.
Cũng như các lần trước đây, mỗi khi có vụ cháy nhà trọ, chung cư xảy ra, ngay lập tức chính quyền địa phương đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn. Lần này cũng vậy, sau khi vụ cháy ở phố Trung Kính xảy ra làm 14 người thiệt mạng, Thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường thực hiện kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, nhà trọ cho thuê, khu nhà ở nhiều căn hộ trên địa bàn.
NHỮNG RỦI RO MANG TÍNH HỆ THỐNG
Năm 2024, quận Cầu Giấy có 3.328 cơ sở nhà trọ. Trong đó có 1.812 cơ sở chỉ cho thuê trọ, 1.513 cơ sở là nhà ở kết hợp kinh doanh thuê trọ, 3 cơ sở là nhà ở riêng lẻ cho một hộ gia đình thuê và sử dụng cả nhà. Kết quả kiểm tra cho thấy 3.172 cơ sở không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy; 2.822 cơ sở không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn; 2.961 cơ sở hệ thống báo cháy không đảm bảo; 2.961 cơ sở hệ thống báo cháy không đảm bảo; 2.717 cơ sở có hệ thống chữa cháy không đảm bảo; 1.239 cơ sở các hệ thống kỹ thuật khác không đảm bảo. 1.566 cơ sở có vi phạm về điện (việc sử dụng điện sau công tơ, đấu nối đường dây điện không đảm bảo)...
Kết quả kiểm tra cho thấy việc quản lý, quản trị rủi ro hiện nay rất đáng lo ngại. Có thể nói đây chính là rủi ro mang tính hệ thống, liên quan đến quy trình kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ cho thuê nhà. Người dân có quyền cung cấp dịch vụ nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật, nếu không, chính quyền không cho phép làm dịch vụ.
Việc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà vẫn làm dịch vụ, rõ ràng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội khoá 15, đã nhấn mạnh rằng để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2024 phát hành ngày 10/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam