22:37 27/11/2023

Cần nghiên cứu thêm các quy định có tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội

Nhĩ Anh

Xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài. Cần bổ sung cơ chế chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 27/11/2023 về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn Tây Ninh đánh giá cao dự thảo Luật có nhiều điểm mới so với luật hiện hành với 10 nội dung quản lý ngành, lĩnh vực có vượt so với quy định chung thuộc các lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển của Thủ đô như đầu tư công nghệ, y tế, nhân sự, xây dựng.

Những quy định này về cơ bản sát với nhu cầu của Hà Nội để có thêm sức bật về thể chế. Tuy nhiên một số nội dung được xem là vượt trội nhưng thực chất là những quy định có tính tháo gỡ quy định chung mà các địa phương nào cũng cần, không chỉ riêng Hà Nội.

THỂ HIỆN RÕ NÉT RIÊNG CÓ CỦA VĂN HÓA THỦ ĐÔ

Chỉ rõ một số nội dung như kí hợp đồng có thời hạn với người có điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm, thu hút nhân tài là những quy định cụ thể hơn hay quy định về liên kết giáo dục, đại biểu cho rằng các quy định vượt trội do cả nước không được áp dụng quy định này mặc dù đây là những quy định có thể được áp dụng ở hầu hết các địa phương, chứ không phải là những quy định khai phóng những tiềm lực riêng có của Hà Nội. Do đo, đại biểu cho rằng cần quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội.

Dự thảo có khoảng 6 nội dung thể chế từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.Hồ Chí Minh. Đại biểu Thúy cho rằng các quy định này áp dụng cho Hà Nội cần xem xét thêm vì Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh có sự khác biệt về nhu cầu quản trị điều hành. Các quy định của Nghị quyết 98 được đề xuất trên cơ sở giải quyết những điểm nghẽn của Tp.Hồ Chí Minh, đến nay chưa được sơ kết, tổng kết nên cần đánh giá kĩ lưỡng trước khi luật hóa.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn Tây Ninh: Cần nghiên cứu thêm các quy định có tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn Tây Ninh: Cần nghiên cứu thêm các quy định có tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về vị trí hành chính theo pháp luật hiện hành và tính chất lãnh thổ của Thủ đô. Theo đó cần quy định Thủ đô Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị đặc biệt.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; phải quy định được vai trò, trách nhiệm

 

quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của nước. Đại biểu cho rằng, yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển.

Xây dựng phát triển quản lý bảo vệ Thủ đô phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh hiện đại và yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước.

Các công trình kiến trúc xây dựng Thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử; phải tạo những không gian để quy tụ những đặc trưng của các vùng miền hiện diện tại Thủ đô; việc quản lý phát triển toàn diện toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn quản lý của đô thị đặc biệt, gồm có đô thị trung tâm và các vùng nông thôn các vùng đô thị bên ngoài theo mô hình là thành phố thuộc thủ đô, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn Ninh Bình: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn Ninh Bình: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn Ninh Bình thống nhất với quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô; dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa Thủ đô, chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của Thủ đô.

Về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô, theo đại biểu vấn đề liên kết phát triển vùng nói chung là một nội dung khó chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng cụ thể đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư cơ chế tài chính, cơ chế quản lý điều hành xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng.

TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI TÀI PHÁT TRIỂN, CỐNG HIẾN

Tranh luận với các ý kiến không đồng thuận về một số nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), về phân cấp phân quyền ủy quyền cho Thủ đô Hà Nội trong quản lý một số lĩnh vực xây dựng đô thị quy hoạch, từ thực tiễn Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, những nội dung trong dự thảo luật rất phù hợp.

hủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não, chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, là trái tim cả nước. Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các đoàn quốc tế, các nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa rất là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu mong lãnh đạo ở thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế. Tập trung bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội, các giá trị truyền thống người Hà Nội. Đặc biệt là các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ.

 Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Tp.Cần Thơ: Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển thủ đô trở thành thủ đô văn minh, hiện đại
 Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Tp.Cần Thơ: Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển thủ đô trở thành thủ đô văn minh, hiện đại

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại dự thảo, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Cần Thơ nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, đây là một nội dung hết sức quan trọng. Nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Thực tế kinh nghiệm các nước cho thấy, với những nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình thành công, trở thành các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... rất ít dựa vào tài nguyên, chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài để bứt phá và phát triển.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi.

Ông Hùng dẫn chứng giai đoạn 2013-2022, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học. Còn với Tp.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2022 chỉ thu hút được 5 nhân tài.

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.

Theo đại biểu, nếu chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài; từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cả khu vực công và khu vực quan trọng khác.

Bên cạnh đó, cần bổ sung cơ chế chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến. Qua đó, thực hiện bằng được phương chấm "4 không" là không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

"Xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở như mua, thuê, thuê mua, các hỗ trợ khác cho gia đình, vợ con người có tài để giúp họ yên tâm cống hiến, làm việc", đại biểu đề xuất.

Cùng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông cho rằng, việc thiết kế một khoản riêng về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.

Để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu cho rằng, cần trao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng. Từ đó, sẽ có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

 
Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. “Cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật một điều khoản để làm sao cho việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn”.