Cần sửa đổi Luật Lâm nghiệp để tương thích với Luật Đất đai mới
Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, trong đó Điều 248 đặt ra yêu cầu phải sửa đổi những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp…
Chủ trì buổi làm việc với các hiệp hội, hội trong lĩnh vực Lâm nghiệp, chiều ngày 18/1/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng hiện nay đã có thêm nhiều văn bản, cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tiễn để phát triển trồng rừng và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rừng.
VẪN CÒN LÃNG PHÍ TRONG SỬ DỤNG RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết thời gian qua, cùng với việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp còn triển khai được một số chiến lược quan trọng.
Đó là: Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng hay Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển; Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng...
“Mặc dù giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2023 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra do khó khăn từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đạt con số xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay, đóng góp tích cực tăng trưởng và xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp”, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.
"Về tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, năm 2023 tiếp tục duy trì ổn định ở mức 42,02%. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản: năm 2021 đạt 15,96 tỷ USD, xuất siêu đạt 13,03 tỷ USD; năm 2022 đạt 17,09 tỷ USD, xuất siêu đạt 14,07 tỷ USD; năm 2023 đạt 14,4 tỷ USD, xuất siêu đạt khoảng 12,19 tỷ USD".
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.
Tại buổi làm việc, các hiệp hội trong ngành lâm nghiệp đã nêu những ý kiến đóng góp từ phía thành viên các hội, hiệp hội ngành lâm sản đã nêu ra được nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới. Một trong những vấn đề nổi cộm là xây dựng được hệ thống giống có tính năng mới, sẵn sàng trước nguy cơ xuất hiện các loại bệnh nguy hiểm đã có ở một số quốc gia lân cận.
Các đại biểu còn nêu vấn đề lãng phí khi chưa khai thác được hoàn toàn các sản phẩm gỗ, ví dụ như cành nhỏ hay gốc cây. Theo ông Thang Văn Thông, Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, những phụ phẩm này có thể đạt sản lượng đến 32 tấn/ha và cần có cơ chế khai thác phù hợp.
“Chúng ta cần nhiều hơn nữa các chuỗi liên kết giữa người trồng với người sản xuất hay giữa người sản xuất với nhau để thu hoạch được hoàn toàn sản phẩm từ gỗ. Ví dụ, với sản phẩm vỏ cây, hiện nay có thể bán với giá 1,2 triệu đồng/tấn nên cần tận dụng tối đa sản phẩm, không làm gỗ được thì làm dăm, làm viên nén, làm chất đốt, không bỏ đi thứ gì”, ông Thông chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam nêu vấn đề: Nhiều năm qua, Nhà nước đã thực hiện giao đất giao rừng sản xuất cho các chủ rừng để thực hiện sản xuất trên đất lâm nghiệp. Đến nay đã có trên 1 triệu hộ gia đình, cá nhân trong nước được giao hơn 3 triệu ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất.
Cùng với đó, đã có trên 10.000 cộng đồng hiện đang quản lý và sử dụng (gồm đã giao và tự công nhận) gần 1 triệu ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ. Hiện vẫn còn khoảng 3,3 triệu ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và đất chưa có rừng, chưa được giao cho các chủ thể, mà vẫn tạm để UBND cấp xã quản lý. Trong khi đó, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng sản xuất nhưng không có các quyền như các chủ rừng khác, như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao.
Hệ lụy là, cộng đồng dân cư chưa thiết tha nhận đất để trồng rừng sản xuất, việc giao đất, giao rừng chậm. Việc hàng triệu ha rừng ở trong tình trạng nghèo kiệt, thậm chí vẫn còn là đất trống đồi trọc là rất lãng phí. Do đó, ông Ngãi đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách đẩy nhanh việc giao đất giao rừng để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
MỤC TIÊU XUẤT KHẨU GỖ VÀ LÂM SẢN NĂM 2024 ĐẠT 17,5 TỶ USD
Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định thị trường xuất khẩu ngành gỗ năm 2024 được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
Bên cạnh các khó khăn về thị trường do tình hình thế giới bất ổn, ngành công nghiệp gỗ còn đối mặt với những quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm.
Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, nhưng nước này đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ. Cuối năm 2023, Mỹ còn đưa ra yêu cầu về việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ càng thêm áp lực.
"Để ứng phó với những khó khăn của thị trường trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp gỗ đã và đang thay đổi thiết bị và công nghệ theo hướng giảm chi phí nhân công và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều dây chuyền tự động hóa được đưa vào vận hành, thay thế nhiều công đoạn lao động thủ công đem lại hiệu quả cao hơn so với trước kia".
Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Quy định về chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU), quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường EU phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng… cũng đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành gỗ Việt Nam. Việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR có thể sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là yêu cầu về xác định chính xác vị trí địa lý lô đất sản xuất… Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ sớm có các giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua các rào cản kỹ thuật thương mại.
Ghi nhận các ý kiến từ phía doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết hiện nay, đã có thêm nhiều văn bản, cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tiễn để phát triển trồng rừng và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rừng.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc 2 Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cần nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất, kiến nghị của các hội, hiệp hội để có những giải đáp thắc mắc, hỗ trợ kịp thời cho các hội, hiệp hội trong lĩnh vực lâm nghiệp và doanh nghiệp.
“Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng ngày 18/1/2024, trong đó có Điều 248 đặt ra yêu cầu phải sửa đổi những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các thành viên hội, hiệp hội tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng chính sách, nhất là yêu cầu phù hợp với thực tiễn”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Để đáp ứng được các mục tiêu của năm 2024 với ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động, linh hoạt trong sản xuất, phù hợp với tình hình chung. Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng các chuỗi giá trị, bổ trợ lẫn nhau, mở rộng quy mô để tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Toàn ngành phải phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản 17,5 tỷ USD.