09:43 23/10/2007

Cần Thơ loay hoay xuất khẩu lao động

Hà Lê

7 tháng đầu năm 2007, số lao động về nước trước hạn tại thành phố Cần Thơ tăng đột biến

Hầu hết các quận, huyện ở Cần Thơ đều gặp khó khăn trong công tác vận động xuất khẩu lao động.
Hầu hết các quận, huyện ở Cần Thơ đều gặp khó khăn trong công tác vận động xuất khẩu lao động.
Từ đầu năm đến nay, Cần Thơ mới có trên 200 người đi xuất khẩu lao động, trong khi số người đã đi xuất khẩu lao động về nước trước hạn và số người hủy hợp đồng, hủy chuyến bay trên 300 người.

Theo nhận định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, với tiến độ này, thành phố khó hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm 2007.

Theo bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, thực trạng này đang được ngành chức năng khẩn trương xem xét và bàn giải pháp chấn chỉnh.

Lao động thờ ơ với việc xuất khẩu lao động

Hầu hết các quận, huyện trên địa bàn đều gặp khó khăn trong công tác vận động xuất khẩu lao động. Thị trường Malaysia với quá nhiều rủi ro không còn thu hút lao động. Các thị trường mới chưa đủ sức thuyết phục. Còn các thị trường “khó tính” với việc làm, thu nhập ổn định thì đa số lao động không đáp ứng được các tiêu chuẩn, chi phí lại quá cao.

Ông Nguyễn Hùng Chinh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện Cờ Đỏ cho biết, Trung tâm đã vận dụng nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng nhưng vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, lao động thờ ơ với việc đi xuất khẩu lao động. Những năm trước, huyện Cờ Đỏ luôn hoàn thành chỉ tiêu, từ đầu năm đến nay chỉ có 25 người đi xuất khẩu lao động, số người đăng ký mới... nhỏ giọt.

Tại xã Thới Lai, huyện Cờ Đỏ từ đầu năm đến nay, toàn xã chỉ có 2 người đi xuất khẩu lao động, rất ít người đăng ký mới. Ông Nguyễn Văn Ba, cán bộ phụ trách xuất khẩu lao động xã Thới Lai, cho biết, từ năm 2004- 2006, xã Thới Lai đưa 43 người đi xuất khẩu lao động, nhưng đến nay có 13 người về nước trước hạn. Không chỉ riêng Thới Lai mà các xã khác của huyện Cờ Đỏ cũng gặp khó khăn về xuất khẩu lao động. Ngay cả những đơn vị trước đây luôn đạt và vượt chỉ tiêu như Thới Hưng, Định Môn, Trường Xuân... giờ cũng mòn mỏi trông chờ lao động.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, có quá nhiều lao động về nước trước hạn. 7 tháng đầu năm 2007, số lao động về nước trước hạn tăng đột biến, trong đó hơn 95% về từ Malaysia với những thông tin bất lợi cho công tác về việc làm, thu nhập, sinh hoạt, như: Làm trái ngành nghề, không đúng nơi ghi trong hợp đồng; việc làm không ổn định, không làm thêm giờ; thu nhập không đủ sống... đã khiến cho lao động hoang mang không dám đi.

Những giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Người lao động rất mơ hồ, chưa biết nhiều về xuất khẩu lao động, thông tin về các thị trường, ngành nghề, tiêu chuẩn, chi phí, thu nhập và những quyền lợi, chế độ đối với người lao động. Số cán bộ phụ trách xuất khẩu lao động phần lớn đều thiếu kiến thức về xuất khẩu lao động, chưa thể giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của người dân khi tư vấn, vận động.

Số cán bộ này còn kiêm nhiệm các công tác khác ở địa phương nên thiếu tập trung làm tốt công tác. Đa số lao động hạn chế trình độ học vấn, tay nghề, tác phong làm việc chuyên nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, pháp luật thấp nên tiếp cận môi trường lao động công nghiệp, hiện đại đã không có tính tự giác và kỷ luật lao động cao.

Theo bà Nguyễn Ngọc Sương, nhằm thúc đẩy tiến độ xuất khẩu lao động việc cần làm ngay là phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao hơn nữa nhận thức đúng đắn của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân các địa phương về xuất khẩu lao động. Khi vận động cần chọn đúng đối tượng lao động có nhu cầu, quyết tâm đi xuất khẩu lao động, chí thú làm ăn, không vì chỉ tiêu mà chọn đại trà.

Cán bộ phụ trách cần giới thiệu đầy đủ, chính xác về việc làm, điều kiện, thu nhập, quyền lợi và nghĩa vụ của người đi xuất khẩu lao động, giáo dục người lao động ý thức chấp hành kỷ luật, luật pháp ở nước ngoài. Với những rủi ro, bất cập trong công tác xuất khẩu lao động vừa qua, Cần Thơ sẽ hạn chế dần việc đưa lao động phổ thông, không trình độ, tay nghề đi xuất khẩu lao động với nhiều ngành nghề không chắc chắn, tăng tỷ lệ đưa lao động có học vấn, chuyên môn, tay nghề cao, đi các thị trường có việc làm ổn định, thu nhập cao.

Do vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức đợt khảo sát, đánh giá lại thị trường Malaysia, chọn công ty uy tín, chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động mới ký hợp đồng đưa lao động. Kết hợp với các công ty xuất khẩu lao động tổ chức dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động theo từng đơn hàng với ngành nghề, số lao động cụ thể.

Sắp tới, Ngân hàng Chính sách - Xã hội sẽ nâng mức cho vay tối đa lên 30 triệu đồng cho người đi xuất khẩu lao động ở các thị trường. Sở cũng có kế hoạch làm việc với Ngân hàng Chính sách - Xã hội hỗ trợ phần nào vốn vay cho người lao động thuộc diện chính sách, diện nghèo muốn đi thị trường có chi phí cao, như: Đài Loan, Nhật Bản, Australia... Đồng thời, nhanh chóng thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động để chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro cho người đi xuất khẩu lao động.