17:30 25/07/2021

Gỡ nghẽn kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long "nóng" nghị trường

Quang Trung

Hàng loạt kiến nghị về việc tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận ngày 25/7...

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 25/7 - Ảnh: Quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 25/7 - Ảnh: Quochoi.vn.

Ngày 25/7, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nội dung phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại phiên thảo luận,  nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn và tạo động lực cho sự phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN HẠ TẦNG, THÚC ĐẨY LIÊN KẾT VÙNG

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) ch biết, trong Nghị quyết của Đại hội XIII có nội dung về việc "tập trung đầu tư hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long, quan tâm đến hạ tầng giao thông, trong đó phải đạt 5.000 km đường cao tốc".

Tuy nhiên, theo đại biểu, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, một số đoạn đường quan trọng nhằm đảm bảo kết nối giao thương hàng hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng của vùng, của khu vực chưa đưa vào kế hoạch đầu tư của giai đoạn này.

"Cụ thể như tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến cao tốc ngang này giữ vai trò quan trọng, không những tạo điều kiện liên kết vùng trong nước mà còn liên kết giao thương với các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, đồng thời tuyến này cũng có chức năng kết nối đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé tham gia thảo luận tại hội trường - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé tham gia thảo luận tại hội trường - Ảnh: Quochoi.vn

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đưa dự án này vào đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu cho rằng, nếu nguồn lực chưa đủ để đảm bảo kịp thời đầu tư cả tuyến trong giai đoạn này, thì nên đưa vào kế hoạch đầu tư đoạn từ Hà Tiên đến Rạch Giá để kết nối vào cao tốc Rạch Sỏi - Lộ Tẻ, từ đó kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM. Việc này giúp tạo điều kiện cho các tỉnh khu vực phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long, bố trí nguồn vốn giai đoạn 2021-2026. Song song với đó là thực hiện các dự án còn dang dở, như Quốc lộ 57, Quốc lộ 54, Quốc lộ 53 hiện nay chỉ được duy trì sửa chữa nhưng đã xuống cấp rất trầm trọng.

"Đây là những công trình trọng điểm mang tính kết nối vùng, tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững khi Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

ĐẦU TƯ KHƠI DẬY TIỀM NĂNG KINH TẾ CỦA VÙNG

Cũng quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhấn mạnh đây là khu vực có vị trí kinh tế chiến lược quan trọng, hội đủ các yếu tố về kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Đại biểu dẫn chứng, với kinh tế nông nghiệp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 60% sản lượng nuôi trông thủy sản, 70% lượng trái cây, xuất khẩu hơn 90% sản lượng gạo của cả nước.

"Đây là trung tâm sản xuất lương thực quan trọng, giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù vùng kinh tế này đã có những bước chuyển mình, phát triển kinh tế nhanh, sinh kế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, đến nay sản xuất nông nghiệp của vùng chưa ổn định, thu nhập của nông dân vẫn còn bấp bênh. Trong khi biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường", đại biểu phân tích.

Đại biểu Tô Ái Vang thảo luận tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tô Ái Vang thảo luận tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt ban hành quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, tạo sự kết nối đến các tỉnh trong vùng, liên vùng. Đồng thời, ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm khơi dậy và phát huy một số tiềm năng sẵn có của vùng. 

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoạt động theo Quyết định 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ sáng 24/7 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM cũng cho rằng thời gian qua, dù đã nhận diện được tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đầu tư cho khu vực này vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu phát triển. 

Theo Chủ tịch nước, tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tái diễn ra cảnh đau lòng khi hàng loạt nhà dân bị cuốn trôi, đe dọa đến tính mạng, đến đất đai, tài sản của người dân do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Vùng chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu là Đồng bằng sông Cửu Long, nếu không có nguồn lực thì hậu quả vài chục nữa sẽ rõ hơn, phải nhìn nhận đầy đủ, suy nghĩ đầu tư lớn hơn, tầm nhìn cao hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu khủng khiếp như vậy”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng cần phải đầu tư cỡ như Hà Lan đã làm, nếu đầu tư chắp vá, tạm thời trước mắt thì không ổn.