Cần xây dựng, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế
Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và Đại học Ngân hàng TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Những định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030 trong văn kiện Đại hội lần XIII của Đảng”…
Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; Quản lý phát triển xã hội, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ theo hướng chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, còn có các bài tham luận xoay quanh xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; kinh tế vùng; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
TS. Nguyễn Văn Sáng, Phó trưởng Khoa Lý luận Chính trị UEH, cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những yêu cầu mới cho nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đặt ra những vấn đề về phát triển khoa học công nghệ, xây dựng chính phủ điện tử, các mô hình tăng trưởng kinh tế để đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thông qua những định hướng của Đảng, các nhà học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phát triển bền vững kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường,… nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hội thảo cũng là diễn đàn để các giảng viên, các nhà khoa học thảo luận, chia sẻ và trao đổi các kết quả nghiên cứu về những vấn đề xoay quanh nội dung Văn kiện Đại hội XIII với 130 bài viết chất lượng, nhìn nhận và đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện mới, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh ở các khu đô thị thông minh, kinh tế vùng và nông thôn mới.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia cũng tập trung làm rõ những ảnh hưởng xung đột dẫn đến bất ổn về an ninh, trật tự xã hội trong quá trình thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.