Căng thẳng leo thang, Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga
Bước leo thang căng thẳng mới xung quanh vụ tấn công hóa học nhằm vào một cựu điệp viên hai mang người Nga tại Anh
Nước Anh ngày 14/3 tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, trong vụ trục xuất ngoại giao lớn nhất giữa hai nước kể từ thời chiến tranh lạnh, đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới xung quanh vụ tấn công hóa học nhằm vào một cựu điệp viên hai mang người Nga tại Anh.
Theo tin từ Reuters, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Anh cùng ngày, Thủ tướng nước này Theresa May đã vạch ra các biện pháp trả đũa Nga đối với vụ tấn công nói trên. Trong khi đó, Moscow một mực phủ nhận cáo buộc mưu sát cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của ông này là Yulia.
Vào hôm 4/3, ông Skripal và con gái được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên một chiếc ghế dài ở thành phố Salisbury thuộc miền Nam nước Anh. Hiện cha con nhà Skripal đang nằm viện trong tình trạng nguy kịch.
Thủ tướng May tuyên bố Anh có thể đóng băng những tài sản nhà nước Nga mà London đánh giá là đặt ra nguy cơ anh ninh; đưa ra luật mới chống lại những hành động thù địch nhà nước; và giảm mức độ hiện diện của Anh tại Cúp bóng đá Thế giới (World Cup) tại Nga vào mùa hè năm nay.
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ Anh đặt ra cho Nga thời hạn chót đến nửa đêm ngày thứ Ba tuần này để giải thích vì sao chất độc thần kinh Novichok do Liên xô sản xuất lại được sử dụng trên đường phố ở Salisbury. Anh đặt ra hai khả năng, một là Chính phủ Nga đứng sau vụ tấn công này, và hai là Moscow mất kiểm soát đối với kho chứa chất Novichok.
"Phản ứng của họ cho thấy họ hoàn toàn xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của những gì đã xảy ra", bà May nói trước Quốc hội Anh ngày 14/3. "Họ coi việc sử dụng chất độc thần kinh cấp độ quân sự ở châu Âu với thái độ cười cợt, xem thường và bất chấp". Bà cho rằng kết luận duy nhất trong vụ việc này chính là Chính phủ Nga giật dây vụ mưu sát hai cha con nhà Skripal.
"Điều này cho thấy việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp của nhà nước Nga chống lại Liên hiệp Vương quốc Anh", bà May phát biểu.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ nhanh chóng trả đũa các biện pháp của Anh mà Moscow gọi là những hành động được thực hiện "vì mục đích chính trị thiển cận". "Chính phủ Anh đã đưa ra lựa chọn của họ với mong muốn đối đầu Nga", Bộ Ngoại giao Nga nói.
Đai sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia ngày 14/3 một lần nữa nhắc lại sự phủ nhận của Moscow đối với cáo buộc của Anh, đồng thời yêu cầu Anh đưa ra bằng chứng để chứng minh có bàn tay của Nga trong vụ mưu sát cựu điệp viên hai mang. "Chúng tôi yêu cầu bằng chứng cụ thể cho thấy có dấu vết của Nga", ông Nebenzia phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về vụ tấn công.
Trước đây, ông Skripal đã cung cấp thông tin về hàng chục gián điệp Nga cho Anh, rồi bị bắt ở Moscow và bỏ tù vào năm 2006. Ông được thả tự do vào năm 2010 theo một thỏa thuận trao đổi điệp viên và sống tị nạn ở Anh.
Thủ tướng May yêu cầu 23 nhà ngoại giao Nga mà London cho là sỹ quan tình báo "chìm" có 1 tuần để rời khỏi nước này. Bà cũng tuyên bố Anh rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sang thăm, đồng thời đình chỉ kế hoạch tiếp xúc cấp cao song phương giữa London và Moscow.
Bộ Ngoại giao nga nói ông Lavrov chưa hề nhận lời mời thăm Anh.
Về World Cup diễn ra vào tháng 6-7 năm nay ở Nga, bà May nói sẽ không có một bộ trưởng hay thành viên hoàng gia Anh nào tham dự.
Về vấn đề đóng băng tài sản Nga, nếu hành động, Anh sẽ có nhiều lựa chọn, bởi rất nhiều người giàu của Nga hiện đang sở hữu bất động sản ở London.
Trong một diễn biến khác, cơ quan quản lý truyền thông Anh Ofcom tuyên bố có thể rút giấy phép phát sóng tại nước này của kênh truyền hình Nước Nga ngày nay (RT). Về phần mình, Nga cảnh báo sẽ "cấm cửa" toàn bộ truyền thông Anh nếu RT bị Ofcom rút giấy phép.