08:48 17/09/2007

Cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái

Trung Việt

Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào năm tới và năm 2007 chỉ đạt khoảng 2%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua

Chi phí đầu tư vào ngành xây dựng của Mỹ trong tháng 7 giảm 0,4% so với tháng 6 và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 0,6% trong tháng 1.
Chi phí đầu tư vào ngành xây dựng của Mỹ trong tháng 7 giảm 0,4% so với tháng 6 và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 0,6% trong tháng 1.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào năm tới và năm 2007 chỉ đạt khoảng 2%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua; Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi hiện ở mức 5,25%. Đó là dự báo mới nhất của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới.

Những dự báo nói trên được Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ công bố hôm 10/9 trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang bị tác động tiêu cực bởi thị trường bất động sản ảm đạm và những khó khăn về tín dụng; trong tháng 8, các công ty Mỹ giảm hàng nghìn việc làm và có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phát triển chậm lại.

Hai nguyên nhân làm kinh tế suy giảm

Thứ nhất là cuộc khủng hoảng kéo dài và ngày càng nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc; thứ hai là những khó khăn mới nảy sinh của thị trường tài chính, tín dụng. Theo các chuyên gia, GDP của Mỹ trong năm 2008 vẫn tiếp tục đạt mức thấp 2,8% so với mức dự báo trước đây là 2,9%.

Để ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy thoái, các chuyên gia Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ cho rằng, ngay trong cuộc họp thường kỳ ngày 18/9 tới, FED có thể phải cắt giảm lãi suất các khoản vay ngắn hạn giữa các ngân hàng hiện vẫn được duy trì ở mức 5,25% suốt từ tháng 6/2006 tới nay. Dự đoán, việc cắt giảm lãi suất trong năm nay và năm tới sẽ khiến tỷ lệ này giảm xuống mức 4,75%.

Hơn 60% số nhà kinh tế thế giới cho rằng suy thoái "là một nguy cơ lớn mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt vào năm tới”, trong khi chỉ có 1/3 số người được hỏi cho rằng “lạm phát là vấn đề lớn nhất".

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rodrigo Rato cho rằng kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm hơn do tình trạng rối loạn thị trường tài chính, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng bền vững. Ông nói: "Vấn đề này sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ như thế nào là điều mà chúng tôi đang theo dõi. Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều hậu quả tại châu Âu và Nhật Bản, nhưng hạn chế hơn ở Mỹ”.

Các số liệu công bố đầu tháng 9 của Viện quản lý nguồn cung cấp có trụ sở tại bang Arizona (Mỹ) cho biết, trong hai tháng qua đã xuất hiện thêm một số dấu hiệu về chiều hướng phát triển chậm lại và không đồng đều của nền kinh tế Mỹ thời gian tới.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 8 vừa qua chỉ ở mức 52,9 điểm so với 53,8 điểm trong tháng 7. Chi phí đầu tư vào ngành xây dựng của Mỹ trong tháng 7 giảm 0,4% so với tháng 6 và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 0,6% trong tháng 1.

ong quý 2, tỷ lệ những chủ nhà ở Mỹ nhận được giấy thông báo tịch thu nhà để gán nợ tăng 0,65% so với mức tăng 0,58% trong quý 1. Đây là quý thứ ba liên tiếp có số nhà bị tịch thu gán nợ tăng ở mức cao. Dự báo số lượng nhà bị tịch thu gán nợ trong vài quý tới sẽ còn tăng mạnh vì trong quý svừa qua, các khoản nợ xấu ở Mỹ tăng tới 14,82% so với mức tăng 13,77% trong quý 1 và mức 11,7% cách đây một năm.

Do thị trường nhà đất sụt giảm và nhịp độ xây dựng nhà cửa cũng giảm. Trong tháng 8, nhiều công ty xây dựng đã sa thải công nhân, khoảng 4.000 người lao động Mỹ đã mất việc. Bộ Lao động Mỹ cho hay đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2003.

Các nhà kinh tế cảnh báo, tình trạng việc làm sẽ còn tồi tệ hơn, do các ngân hàng và các công ty cầm cố sẽ cắt giảm nhân viên trong tháng 9, 10 tới, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay.

Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, từng đóng cửa chi nhánh thế chấp tại Mỹ trong tháng trước, và làm 1.200 người mất việc, vừa thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm 850 chỗ làm trên toàn cầu.

Các chuyên gia dự báo cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc ở Mỹ đến giữa năm 2008 có khả năng còn bi đát hơn. Khối lượng đầu tư trong ngành xây dựng giảm phản ánh rõ những tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua trong lĩnh vực địa ốc cũng như những khó khăn đang tiếp tục xuất hiện của thị trường thế chấp tín dụng.

Nguồn tin từ báo chí Mỹ cho biết, Tổng thống Bush đã chuẩn bị một kế hoạch cho phép công ty bảo hiểm cầm cố - Cơ quan nhà đất liên bang - đứng ra bảo lãnh các khoản vay quá hạn trả nợ hơn 90 ngày. Đồng thời, thảo luận các biện pháp nhằm ngăn không để lặp lại một cuộc khủng hoảng trong thị trường cầm cố lãi suất cao nữa.