11:36 11/06/2009

Cảnh báo từ thị trường lao động Nga

Những lao động này đều có chung bi kịch là thiếu việc làm, không tiền lương, điều kiện sống tồi tệ và buộc phải về nước

 Lao động từ Nga về nước trước thời hạn đang đòi quyền lợi tại Công ty Vinatex – LC.
Lao động từ Nga về nước trước thời hạn đang đòi quyền lợi tại Công ty Vinatex – LC.
Rất nhiều lao động từ Nga về nước trước hạn trong thời gian gần đây đều có chung một bi kịch là không việc làm, không tiền lương, điều kiện sống tồi tệ…

Ra nước ngoài dọn vệ sinh

Hơn 40 lao động Việt Nam hiện đang cư trú tại tỉnh Stavraponski (Liên bang Nga) vừa gửi đơn kêu cứu tới báo chí thông qua một lao động về nước trước hạn.

“Hợp đồng chúng tôi ký kết với công ty Nosco là làm việc trong nhà máy nhưng khi sang chúng tôi phải đi hốt rác, dọn vệ sinh, trồng nho…”  lá đơn của anh Trịnh Văn Mão quê Yên Thái, Yên Mô (Ninh Bình) viết.

Số lao động này được Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế Nosco -  IMAST đưa đi từ tháng 2/2009 với hợp đồng lao động ba năm nhưng visa lần một chỉ cho ba tháng. Số lao động này công ty Nosco tuyển qua trường cao đẳng nghề Tam Điệp (Ninh Bình) với tổng chi phí trước khi đi là 3.000 USD.

Trả lời báo chí chiều 9/6, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Nosco cho biết  công ty đang cử người sang để nắm bắt tình hình và thu xếp để đưa người lao động về nước, giải quyết các quyền lợi của người lao động.

Câu chuyện đưa lao động đi Nga rồi vài tháng sau lại đưa về như công ty Nosco đã không còn là hiếm trong thời gian gần đây. Nhiều câu chuyện tương tự đã xảy ra như trường hợp 67 lao động phải về trước hạn của công ty Sovilaco, 31 lao động của công ty Airseco, 5 lao động của công ty Viglacera, 16 lao động của công ty Vietcom, 7 lao động của công ty Vinatex – LC…

Những lao động này đều có chung bi kịch là thiếu việc làm, không tiền lương, điều kiện sống tồi tệ và buộc phải về nước.

Cảnh báo rủi ro

Trường hợp cung ứng 40 lao động của Công ty Nosco cho Công ty TNHH Một thành viên Hà Nội (tại Liên bang Nga) đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định từ tháng 11/2008. Tới tháng 2/2009 công ty đưa lao động đi và hiện tại đang làm thủ tục để đưa lao động về.

Một kịch bản thường xảy ra tại thị trường Nga là: đưa lao động đi với visa ngắn hạn, sang thiếu việc làm, chuyển việc, lương thấp hơn cam kết, điều kiện sống tồi tệ trong thời tiết khắc nghiệt đến mức người lao động không chịu được và phải xin về nước. Có doanh nghiệp chịu thiệt về mình, nhưng vẫn có những doanh nghiệp kiên quyết đẩy lỗi và bắt lao động phải chịu mất tiền.

Trả lời báo chí sáng ngày 9/6, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ cuối năm 2008 tới nay có những hợp đồng cung ứng lao động sang Nga đã được thẩm định nhưng vẫn rủi ro.

“Tại thời điểm thẩm định thì hợp đồng đó vẫn có thể thực hiện được, nhưng do khủng hoảng kinh tế, chỉ vài tháng sau đó lúc doanh nghiệp đưa lao động đi thì chủ sử dụng lao động đã rất khó khăn. Nếu doanh nghiệp không kiểm tra lại mà vẫn đưa lao động đi thì phải chịu trách nhiệm”, ông Quỳnh khẳng định.

Hiện tại, tuy không ban hành văn bản nhưng cục này đã tạm dừng thẩm định các hợp đồng cung ứng lao động sang Nga. Ngay cả những hợp đồng đã thẩm định từ cuối năm 2008 nhưng doanh nghiệp chưa đưa lao động đi thì cũng phải tạm dừng lại.

Tây Giang (SGTT)