15:36 12/08/2013

Cảnh sát cơ động có cần trang bị máy bay, tàu thủy?

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động

Về quy định cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, 
tàu thủy, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng cần cân
 nhắc vì đòi hỏi đầu tư ngân sách quá lớn.
Về quy định cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, tàu thủy, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng cần cân nhắc vì đòi hỏi đầu tư ngân sách quá lớn.
Không chỉ tên gọi mà nhiều nội dung cụ thể tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng 12/8 cũng còn ý kiến nhiều chiều.

Cảnh sát cơ động là tên gọi của pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên Chính phủ đề nghị thay bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của lực lượng cảnh sát vũ trang.

Đề xuất này không nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra. Còn theo Chủ tịch Quốc hội thì cứ giữ tên cũ, phần vì việc sửa tên thuộc thẩm quyền Quốc hội. Hơn nữa, tên cảnh sát cơ động hay lắm rồi, hay hơn nhiều tên cảnh sát vũ trang.

Đi vào nội dung cụ thể của pháp lệnh, một số vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất của một số quy định tại dự thảo pháp lệnh với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quyền cơ bản của công dân.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra - Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội – cho rằng cần quy định rõ hơn về quyền xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp các hành vi khủng bố” của cảnh sát cơ động.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu đề nghị, đối với việc nổ súng, ngoài trường hợp được quy định tại Pháp lệnh Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, còn lại chỉ giao Bộ trưởng Bộ Công an hoặc thứ trưởng thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng, còn tư lệnh cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh không có quyền hạn này.

Riêng về quy định cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, tàu thủy, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng cần cân nhắc vì đòi hỏi đầu tư ngân sách quá lớn. Bên cạnh đó, việc quản lý, đào tạo, huấn luyện sử dụng phức tạp và phải rất chặt chẽ. Trong khi hiện nay Bộ Quốc phòng đã được đầu tư cơ bản, có thể đáp ứng yêu cầu của Bộ Công An khi cần sử dụng và sự phối hợp giữa hai bộ vẫn đang được thực hiện tốt.

Đồng ý với đề xuất của Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng một số nước điều kiện kinh tế không hơn Việt Nam, thì cảnh sát cơ động vẫn có trực thăng. "Vấn đề quản lý sử dụng thế nào, dân lo lắng là sử dụng không hợp lý thôi còn sử dụng hợp lý thì dân chắc không phàn nàn", ông Hiện phát biểu.

Cũng đồng ý trang bị, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị trang bị cho ngành công an nói chung, còn Bộ trưởng sẽ quyết định cho đơn vị nào sử dụng tùy nhiệm vụ. Tránh trường hợp không chỉ cảnh sát cơ động mà cả cảnh sát phòng chống ma túy cũng trang bị máy bay.

Tiếp thu ý kiến không thay đổi tên gọi, với việc trang bị phương tiện cho cảnh sát cơ động, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu giải thích hiện tại tất cả các tình huống phức tạp về an ninh trật tự đều do lực lượng cảnh sát cơ động đối phó. Vì vậy, đây là lực lượng giúp Bộ quản lý trang bị hiện đại, các bộ phận khác muốn sử dụng phải do Bộ điều hành.

Sau khi tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào phiên họp tháng 12/2013.