Cập nhật lợi nhuận quý 2/2024: Tăng trưởng 21% vượt xa quý 1, bất động sản hồi phục đáng kể
Tổng lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của 482 doanh nghiệp đã công bố tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng của quý 1 là 16,5%...
Trong ngày 23/7/2024, đã có thêm 130 doanh nghiệp đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý 2/2024, nâng tổng số công bố lên 482 doanh nghiệp, theo thống kê từ FiinTrade. Mặc dù tăng mạnh về số lượng, nhưng hầu hết là nhóm vừa và nhỏ nên tính đại diện xét theo quy mô vốn hóa vẫn chỉ hơn 35,7%.
Trong đó: Tổng lợi nhuận sau thuế Q2/2024 của 482 doanh nghiệp này tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng của quý 1 là 16,5%.
Mức tăng trưởng chung tiếp tục được dẫn dắt bởi nhóm Tài chính, với đóng góp đáng kể từ nhóm Ngân hàng TMCP (TCB, ACB, LPB, SSB) nhờ động lực chính đến từ việc tăng trưởng tín dụng, ngược lại, biên lãi thuần NIM tiếp tục thu hẹp.
Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) báo lãi trước thuế hơn 5.598 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB đạt 11.590 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro 14% lên 1.100 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước thuế còn gần 10.491 tỷ đồng, tăng 5%.
LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.919 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ. Với lợi nhuận quý 2 ở mức trên 3.033 tỷ đồng, LPBank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ở 2 quý liên tiếp và tăng gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Techcombank (TCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quý 2/2024 đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 2/2024 là 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục theo quý của Techcombank.
MBB cũng ước tính lợi nhuận tăng gần 16% so với cùng kỳ đạt 5.776 tỷ đồng.
Với nhóm chứng khoán, SSI báo lãi trước thuế quý 2 đạt 1.041 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,5% và 59% so với cùng kỳ 2023. Lãi ròng của TCBS đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 193% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, lãi ròng ở mức hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 187%. Đây đều là các con số kỷ lục từ trước đến của Doanh nghiệp.
VCI báo lãi trước thuế 343 tỷ đồng tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. nhờ doanh thu nghiệp vụ môi giới và cho vay tăng mạnh, VPS lãi sau thuế gần 523 tỷ đồng trong quý 2, gấp 6.3 lần cùng kỳ.
Nhóm Phi Tài chính tiếp tục có lợi nhuận tăng thấp nhưng mức tăng trưởng 6,7% đã cao hơn so với lần cập nhật gần nhất 4,6%. Đáng chú ý trong lần cập nhật thứ 5 này là nhóm Bất động sản nhà ở bao gồm VHM, NLG và PDR với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương trở lại 5,1% so với cùng kỳ sau 3 quý suy giảm trước đó, bất chấp doanh thu sụt giảm hay quy mô không đáng kể so với lợi nhuận trong kỳ.
Trên thực tế, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản là nhờ các khoản thu nhập tài chính từ giao dịch bán buôn tại dự án Royal Island (VHM), chuyển nhượng dự án Đại Phước 45ha cho đối tác Nhật (NLG), hay bán công ty liên kết (PDR).
Vinhomes lãi ròng 10.784 tỷ đồng trong quý 2, tăng 11% so với cùng kỳ với đóng góp chính từ việc ghi nhận giao dịch bán lô lớn tại dự án Vinhomes Royal Island và tiếp tục bàn giao tại các dự án hiện hữu. Song 6 tháng lợi nhuận ròng của ông lớn bất động sản này lại giảm 46% còn 11.669 tỷ do doanh thu giảm 41% so với cùng kỳ.
Nam Long (NLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 252 tỷ đồng, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 160 tỷ đồng, giảm khoảng 31% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên cải thiện đáng kể so với con số lỗ 65 tỷ đồng quý liền kề trước đó.
PDR cũng báo lãi trước thuế 87 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2024 và lãi sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, Phát Đạt đạt tổng cộng 170 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 102 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành Hàng cá nhân với đại diện lớn nhất là doanh nghiệp kinh doanh trang sức PNJ cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý 2 này tăng 18,3%, chủ yếu nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vàng miếng vốn có biên lợi nhuận thấp hơn mảng vàng trang sức .
Nhóm chứng kiến lợi nhuận suy giảm trong quý 2/2024 vẫn là Cảng hàng không, Tiện ích (Khí đốt, Điện, Xăng dầu), Vật liệu xây dựng (Ống nhựa), Dược phẩm, Dệt may.
Trong lần cập nhật trước đó, tính đến ngày 21/7/2024, đã có 238 doanh nghiệp đại diện 24% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đã đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý 2/2024. Trong đó, tổng lợi nhuận sau thuế Q2/2024 của 238 doanh nghiệp này tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023, chững lại so với mức tăng trưởng của quý 1 trước đó 24,6%, chủ yếu do nhóm Phi tài chính.