15:26 23/01/2013

Cấp sổ đỏ: Trung ương quyết liệt, tỉnh thành... túc tắc

Hoài Ngân

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trong năm 2011, có 42 tỉnh khó khăn được Trung ương hỗ trợ kinh phí 
1.200 tỷ đồng để thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng
 nhận.
Trong năm 2011, có 42 tỉnh khó khăn được Trung ương hỗ trợ kinh phí 1.200 tỷ đồng để thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận.
Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được người dân đặc biệt chờ đợi như một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hoàn tất việc cấp "sổ đỏ".

Thế nhưng, đến cuối năm 2012, căn cứ trên báo cáo của 62 tỉnh, thành phố gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều tỉnh thành đã triển khai thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg chưa quyết liệt.

Có 30 tỉnh có văn bản chỉ đạo thực hiện ngay trong năm 2011, 22 tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện chậm (năm 2012 mới có văn bản), trong đó có 9 tỉnh sau tháng 6/2012 mới có văn bản chỉ đạo, gồm Phú Thọ và Điện Biên (tháng 10/2012), các tỉnh Lai Châu, Long An và Sóc Trăng (tháng 9/2012), Tuyên Quang, Cao Bằng, Kiên Giang và Đắc Nông (tháng 7/2012).

Cho đến nay, còn 10 tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện, gồm Hà Giang, Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá rằng trong quá trình triển khai, "có nhiều tỉnh, thành phố đã nhận thức rõ trách nhiệm và tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg, tính cấp bách phải hoàn thành cấp giấy chứng nhận ở địa phương nên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện, bằng nhiều giải pháp có hiệu quả", nhưng bên cạnh đó thì, "vẫn còn nhiều địa phương chưa, tập trung chỉ đạo nên việc triển khai còn chậm, chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện ở địa phương, nhất là các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hải Dương, Nam Định, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Đắc Nông".

Báo cáo của các tỉnh thành cho thấy tình hình tồn đọng giấy chứng nhận còn phổ biến. Có 45 tỉnh, thành phố báo cáo hoàn thành việc rà soát kết quả và tình hình tồn đọng, theo đó còn khoảng 5.389.000 thửa đất với tổng diện tích cần cấp giấy chứng nhận khoảng 2.301.000 ha; trong đó nhiều nhất là Hà Nội (168.000 thửa đất và khoảng 500 nghìn căn hộ); Nghệ An 335.000 thửa, Tp.HCM (311.000 thửa đất và căn hộ), Gia Lai (218.000 thửa), Khánh Hòa (141.000 thửa), Bình Phước (128.000 thửa), Đắc Nông (119.000 thửa), Hải Phòng (104.000 thửa), Bắc Ninh (103.000 thửa), Ninh Bình (101.000 thửa), Quảng Bình (85.000 thửa), Cần Thơ (81.300 thửa).

Kết quả rà soát cũng cho thấy số lượng các trường hợp tồn đọng có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp do vi phạm pháp luật đất đai (dưới các hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm, giao đất trái thẩm quyền) ở nhiều địa phương có khối lượng rất lớn, chiếm tỷ lệ cao, điển hình tại Hà Nội (khoảng 112.000 thửa và phần lớn các dự án nhà ở); các tỉnh phía Bắc và duyên hải miền Trung (có khoảng 10.000 đến 20.000 trường hợp mỗi tỉnh).

Để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận ở địa phương, trong năm qua, có nhiều tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Tp.HCM, Sóc Trăng đã xây dựng và ban hành văn bản quy định giải quyết những trường hợp tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai mang tính phổ biến ở địa phương như giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lấn chiếm đất công.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố việc ban hành văn bản giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong cấp giấy chứng nhận ở địa phương còn chậm; nhất là các tỉnh, thành phố đang có số lượng rất lớn các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai cần phải giải quyết.
 
Trong năm 2011, có 42 tỉnh khó khăn được Trung ương hỗ trợ kinh phí 1.200 tỷ đồng để thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận. Kinh phí của địa phương phải trích tiền thu từ đất theo quy định là 1.433 tỷ đồng, nhưng thực tế các tỉnh chỉ bố trí được 396 tỷ đồng (bình quân 9,4 tỷ đồng/tỉnh), bằng 16,96% so yêu cầu và bằng 2,2% tổng số tiền sử dụng đất mà các địa phương này thu được; trong đó chỉ có 6 tỉnh bố trí trên 10% tiền sử dụng đất theo đúng Chỉ thị 1474/CT-TTg gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Cà Mau; các tỉnh còn lại bố trí kinh phí rất thấp so với quy định, trong đó có 6 tỉnh chỉ bố trí dưới 3 tỷ (gồm Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum); có 5 tỉnh không bố trí kinh phí (gồm Sơn La, Điện Biên, Quảng Nam, Trà Vinh, Sóc Trăng).

Sang năm 2012, các tỉnh, thành phố chưa báo cáo tình hình đầu tư kinh phí cho công tác cấp giấy chứng nhận. Qua kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại một số địa phương cho thấy, nhiều địa phương khác đã có nghị quyết của hội đồng nhân dân dành 10% tiền sử dụng đất cho công tác cấp giấy chứng nhận, nhưng thực tế chỉ có một số ít tỉnh tăng đầu tư kinh phí so với năm 2011 (như Bắc Giang 32 tỷ, Hà Giang 23 tỷ, Hà Tĩnh 20 tỷ).

Nhiều tỉnh, thành phố mặc dù khối lượng tồn đọng cần cấp giấy chứng nhận còn nhiều, nhưng việc đầu tư kinh phí trong năm 2012 vẫn còn rất hạn chế, điển hình như Điện Biên (1 tỷ), Lai Châu (2 tỷ), Quảng Bình (3,5 tỷ), Sơn La (4,8 tỷ); đặc biệt các thành phố lớn như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và Trà Vinh trong nhiều năm qua đã không bố trí kinh phí cho thực hiện cấp giấy chứng nhận, nên việc đăng ký đồng loạt cho các trường hợp còn tồn đọng ở từng thôn, xã chưa triển khai được mà chủ yếu thực hiện riêng lẻ cho từng trường hợp có nhu cầu.