12:07 10/03/2023

Cầu giá cao suy yếu, thị trường điều chỉnh diện rộng

Kim Phong

VN-Index mất gần 8 điểm sáng nay nhưng điểm đáng chú ý hơn là độ rộng rất hẹp với số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,3 lần số tăng giá. Biên độ giảm cũng khá lớn trong nhóm blue-chips dẫn dắt, khi quá nửa rổ VN30 giảm hơn 1% giá trị...

VN-Index mất trụ sáng nay khi hầu hết các mã vốn hóa lớn giảm giá.
VN-Index mất trụ sáng nay khi hầu hết các mã vốn hóa lớn giảm giá.

VN-Index mất gần 8 điểm sáng nay nhưng điểm đáng chú ý hơn là độ rộng rất hẹp với số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,3 lần số tăng giá. Biên độ giảm cũng khá lớn trong nhóm blue-chips dẫn dắt, khi quá nửa rổ VN30 giảm hơn 1% giá trị.

Sau hai phiên tăng khá tốt, áp lực bán có tín hiệu mạnh dần lên trong khi nhu cầu mua cũng suy giảm. Hai sàn thanh khoản giảm 16% so với sáng hôm qua, trong đó HoSE giảm 20% và VN30 giảm 24%.

Giao dịch giảm ở nhóm blue-chips là tín hiệu rõ nhất, khi nhóm này chính là động lực tăng của hai phiên vừa qua. VN30 đang giảm 0,79% với duy nhất 3 mã tăng giá, nhưng tới 27 mã giảm, trong đó 17 mã giảm trên 1%. Các cổ phiếu đi ngược dòng ở rổ này là MSN tăng 2,1%, VRE tăng 1,11%, VHM tăng 0,71%.

Ngân hàng tạo sức ép giảm lớn nhất, dẫn đầu là VCB bốc hơi 1,4%, BID giảm 1,05%, CTG giảm 1,7%, TCB giảm 1,8%. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là các mã giảm sâu nhất. Một số có biên độ lớn hơn nhưng vốn hóa hạn chế: PDR giảm 2,92%, NVL giảm 2,28%, VJC giảm 2,16%.

Nhóm cổ phiếu tài chính nói chung là kém. VNFIN sàn HoSE giảm 1,28%. Tới 19/27 cổ phiếu ngân hàng ở các sàn giảm giá, các mã ngược dòng đều ít quan trọng như VBB, BAB, BVB, PGB. Toàn bộ nhóm chứng khoán đều đỏ, trừ HAC và APG tăng, DSC, HBS tham chiếu. Nhóm mã lớn cũng rơi khá mạnh: HCM giảm 2,24%, SSI giảm 1,26%, VND giảm 1,7%, VCI giảm 1,61%...

Với độ rộng áp đảo, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều không duy trì được độ phân hóa như phiên trước. Thống kê tại HoSE, có 147 cổ phiếu đang giảm trên 1%. Mặc dù thanh khoản có sụt giảm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu có thanh khoản cao và giá giảm sâu, thể hiện lực bán mạnh. Nổi bật là HSG giảm 2,46% giao dịch 213 tỷ đồng; SSI giảm 1,26% giao dịch 126 tỷ; NKG giảm 2,7% giao dịch 125,5 tỷ; VND giảm 1,7% thanh khoản 109,3 tỷ... Trong top 10 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường, duy nhất DGC tăng giá 1,54% với 76 tỷ đồng giá trị khớp lệnh.

Ngược lại, phía tăng giá tuy ghi nhận 81 mã, nhưng chỉ 16 mã đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. HVN tiếp tục gây ấn tượng khi tăng 4,14%, thanh khoản 53,9 tỷ. Ngược lại VJC lao dốc 2,16%. Nhóm hóa chất cũng nhiều mã ngược dòng khá mạnh như DGC tăng 1,54%, DCM tăng 2,15%, DPM tăng 1,02%. Ngoài ra ANV, AAA, IDI, HAH cũng có thanh khoản tốt.

VN-Index đang dao động chủ yếu ở vùng thấp.
VN-Index đang dao động chủ yếu ở vùng thấp.

Thanh khoản sụt giảm phiên này một phần đến từ lực cầu suy giảm ở các vùng giá cao sau nhịp tăng vài ngày qua. Cổ phiếu bắt đầu sinh lời tốt trong ngắn hạn và nhà đầu cơ có quan điểm chốt lời hơn là tiếp tục mua vào. Hôm nay áp lực bán không quá mạnh, chỉ là dòng tiền vào kém và mỏng ở các vùng quanh tham chiếu khiến. Nhu cầu chốt lời bắt buộc phải hạ giá xuống để có đủ thanh khoản.

Khối ngoại sáng nay vẫn chưa bán ra nhiều, nên không phải là tác nhân quan trọng trong lực cung. Tổng giá trị bán ra trên HoSE thậm chí giảm 34% so với sáng hôm qua, chỉ còn 273,3 tỷ đồng, trong khi mua vào vẫn tăng nhẹ 3% lên 394,3 tỷ đồng. Mức ròng 121 tỷ đồng là khá nhỏ và cũng không có giao dịch nổi bật. Phía mua lớn nhất là HPG +24,2 tỷ, VHM +21,7 tỷ, VNM +20,2 tỷ. Phía bán duy nhất STB đáng kể với -35,1 tỷ.

Thị trường hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu của các quỹ ETF và xu hướng chính là mua ròng. Tuy nhiên dòng tiền trong nước có vẻ kém ổn định, tăng ào ạt vài phiên rồi chững lại. Điều đó cho thấy chiến lược đầu cơ theo đợt tái cơ cấu này không rõ ràng. Các giao dịch ngắn hạn vẫn có dòng tiền hạn chế và không thể dẫn nhịp phục hồi kéo dài.