13:31 06/10/2007

Câu hỏi ngỏ về báo cáo của HSBC

Liệu có sự nhận định mang tính “cảm quan thuần túy” trong bản báo cáo này?

Trong 2 báo cáo trước, dù đưa ra nhận định có tính khả quan, nhưng HSBC vẫn duy trì quan điểm rằng giá cổ phiếu vẫn còn cao, và kết luận: 900 điểm là đích đến của VN-Index vào thời điểm cuối năm.
Trong 2 báo cáo trước, dù đưa ra nhận định có tính khả quan, nhưng HSBC vẫn duy trì quan điểm rằng giá cổ phiếu vẫn còn cao, và kết luận: 900 điểm là đích đến của VN-Index vào thời điểm cuối năm.
Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) vừa đưa ra bản báo cáo thứ 6 với những nhận định khá khả quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

>>HSBC lạc quan về chứng khoán Việt Nam

Theo đó, điều khiến HSBC tin tưởng vào sự phát triển mạnh của thị trường trong thời gian tới là sự phát triển kinh tế vĩ mô, tinh thần lạc quan của nhà đầu tư trong nước và sự trông chờ của nhà đầu tư nước ngoài vào các đợt IPO mới.

Dự cảm của HSBC

Một trong những điều gây ấn tượng trong bản báo cáo trước đây của HSBC là việc đưa ra kết quả trên cơ sở phân tích các yếu tố nền tảng của thị trường. Chính việc tính toán và dự tính về hệ số P/E, EPS... đã khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong nước tin tưởng và... hành động theo những dự đoán của HSBC.

Trong hai bản báo cáo trước (hồi tháng 3 và tháng 8/2007), dù đưa ra những nhận định có tính khả quan, nhưng HSBC vẫn duy trì quan điểm rằng, giá cổ phiếu vẫn còn cao, và kết luận: 900 điểm là đích đến của VN-Index vào thời điểm cuối năm.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo mới nhất hôm 1/10 vừa qua, dù không đưa ra nhận định mới về chỉ số EPS hay P/E, song HSBC lại nhận định khá tự tin về xu hướng tăng điểm trở lại của VN-Index vì mức giá của cổ phiếu đã hợp lý. Một câu hỏi đặt ra là: liệu có sự nhận định mang tính “cảm quan thuần túy” trong bản báo cáo này? Bởi lẽ:

Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp niêm yết chưa có nhiều chuyển biến về hoạt động kinh doanh trong 1 tháng vừa qua. Tại thời điểm đưa ra báo cáo, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong quý III chưa có và vì vậy, HSBC chỉ có thể dựa trên những số liệu công bố hồi quý II. Nhưng bản báo cáo thứ 6 lại nhận định rằng, giá chứng khoán đã trở lại mức hợp lý, VN-Index sẽ tăng mạnh trở lại.

Thứ hai, các chính sách mang tính vĩ mô chưa thay đổi. Sau khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) được ban hành, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước “than” rằng, thực hiện Chỉ thị 03 sẽ làm cho lượng tiền bơm vào chứng khoán bị cạn kiệt. Đây cũng chính là một lý do mà HSBC cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ ảm đạm.

Tuy nhiên, Chỉ thị 03 đến cuối năm các ngân hàng mới phải “siết” nguồn tiền vay cầm cố chứng khoán và hiện nay chứng khoán cả hai sàn đang có sự tăng giá hết sức mạnh mẽ, giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng/phiên (sàn Tp.HCM).

Như vậy, nếu so với thời điểm HSBC công bố báo cáo trước và báo cáo vừa qua, tác động của Chỉ thị 03 đến thị trường không có sự thay đổi, nhưng diễn biến giao dịch lại có sự khác biệt lớn.

Thứ ba là các đợt IPO (tạm thời là yếu tố tâm lý). Trong các báo cáo của mình, HSBC đều chỉ ra rằng việc thực hiện IPO các doanh nghiệp lớn sẽ làm cho thị trường chứng khoán ấm lên. Và thông tin về việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức giá khá cao, dù ở dạng tin đồn, được HSBC đánh giá là động lực để thị trường đi lên.

Nhìn lại các nguyên nhân giải thích cho nhận định của HSBC có thể thấy, dường như HSBC chưa có sự nhất quán về quan điểm trong nhận định. Hiện nhiều mã chứng khoán đã bằng hoặc vượt mức giá tại thời điểm HSBC đưa ra nhận định VN-Index sẽ lùi trở về mức 900 điểm. Phải chăng, bản báo cáo lần này HSBC đánh giá dựa trên cảm nhận xu hướng thị trường hơn là dựa trên phân tích cơ bản?

Động lực nào để VN-Index đi lên?

Như đã nói ở trên, thông tin về một số thay đổi liên quan đến mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, nới lỏng Chỉ thị 03 hay mức giá dự đoán chào bán cho cổ đông chiến lược của Vietcombank được coi là những nhân tố quan trọng tạo đà tăng cho VN-Index. Điều này có thể thấy rõ hơn qua xu hướng tăng giá của các mã cổ phiếu ngành ngân hàng. Nhưng để thị trường thực sự phát triển thì vấn đề quan trọng là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Hiện chưa có thông tin cụ thể về kết quả kinh doanh quý III, tuy nhiên nhà đầu tư có thể có sự kỳ vọng dựa vào mức lợi nhuận công bố của một số doanh nghiệp lớn trong ngành tài chính, như công ty chứng khoán, ngân hàng. Điều này đã giúp giải tỏa phần nào những lo lắng về nguy cơ của việc phát hành tăng vốn đồng loạt giai đoạn đầu năm.

Một vấn đề đáng lưu ý là nguồn cung tiền cho thị trường chứng khoán. Thực tế, ngay sau Chỉ thị 03, khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu đều giảm, nhưng đây không phải là nguyên nhân thực sự. Nhiều chuyên gia bày tỏ, họ không thể ngờ được tiền trong dân lại có thể nhiều đến vậy.

Hiện phần lớn lượng tiền huy động của ngân hàng là từ các khoản tiết kiệm trong dân, điều này có nghĩa là dân không hề thiếu tiền. Những ngày qua, tại các công ty chứng khoán, lượng nhà đầu tư đến nộp tiền để đầu tư đã tăng lên đáng kể. Như vậy, có thể nói rằng, khi niềm tin đã quay trở lại, bản thân nó đã là động lực cho thị trường chứng khoán phát triển.

Mặc dù có rất nhiều yếu tố tác động để thị trường tăng giá và những dự đoán về việc VN-Index có thể xác lập kỷ lục mới là hoàn toàn có thể, nhưng việc tăng giá mạnh và đồng loạt của các cổ phiếu vừa qua có thể sẽ khó được duy trì nếu kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp không được khả quan như mong đợi.

Kinh doanh trên thị trường chứng khoán là kinh doanh niềm tin. Đôi khi niềm tin sẽ mang lại cho nhà đầu tư sự thành công lớn, nhưng với những gì mà báo cáo của HSBC đưa ra, nhà đầu tư chỉ nên coi như một yếu tố tham khảo.