15:55 18/12/2023

Cầu ngoại khá hơn nhưng vẫn rút ròng hàng trăm tỷ, VN-Index về sát đáy tháng 11

Kim Phong

Kết thúc đợt tái cơ cấu ETF nhưng hôm nay quy mô rút ròng của khối ngoại vẫn rất lớn. HoSE bị bán ròng gần 773 tỷ đồng và tổng giá trị bán lên tới 3.625 tỷ đồng, lớn không kém gì phiên giao dịch tái cơ cấu cuối tuần qua. Điểm tốt là lực mua đối ứng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2023 với gần 2.853 tỷ đồng...

VN-Index đang trở lại sát đáy tháng 11 vừa qua.
VN-Index đang trở lại sát đáy tháng 11 vừa qua.

Kết thúc đợt tái cơ cấu ETF nhưng hôm nay quy mô rút ròng của khối ngoại vẫn rất lớn. HoSE bị bán ròng gần 773 tỷ đồng và tổng giá trị bán lên tới 3.625 tỷ đồng, lớn không kém gì phiên giao dịch tái cơ cấu cuối tuần qua. Điểm tốt là lực mua đối ứng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2023 với gần 2.853 tỷ đồng.

Dĩ nhiên hướng của dòng vốn ngoại vẫn là chảy ròng ra khỏi thị trường. Đợt bán này vẫn chưa có tín hiệu dừng lại và việc các quỹ ETF bán ròng trong đợt tái cơ cấu chỉ là giao dịch bổ sung. Hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nếu có kết thúc có lẽ phải là hết năm tài chính.

Tỷ trọng bán ra của khối ngoại phiên này chiếm tới 24,6% tổng giao dịch sàn HoSE. Đây là một áp lực không hề nhỏ. Riêng với cổ phiếu rổ VN30, khối ngoại bán ròng 375 tỷ đồng. Các mã bị bán nhiều là VNM -92,3 tỷ, STB -66,3 tỷ, VPB -55 tỷ, CTG -50,1 tỷ, EIB -46,6 tỷ, HDB -44,1 tỷ, HPG -22,4 tỷ. Ngoài ra các cổ phiếu khác cũng đáng chú ý là KBC -37 tỷ, VHC -30 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -209,4 tỷ.

Chịu sức ép từ khối ngoại, nhóm blue-chips đã không làm tốt nhiệm vụ giữ nhịp chỉ số. VN30-Index đóng cửa giảm 1,16% trong khi Midcap chỉ giảm 0,48%, Smallcap giảm 0,55%. Cả rổ VN30 chỉ còn 3 mã tăng là VJC tăng 1,94%, ACB tăng 0,22%, VRE tăng 0,22%, trong khi 25 mã khác giảm, với 8 mã giảm trên 2% và 8 mã khác giảm từ 1% tới 2%.

Ngay trong nhóm trụ lớn nhất cũng có nhiều mã giảm sâu như BID giảm 1,2%, VIC giảm 1,14%, VPB giảm 1,6%, VNM giảm 1,62%, CTG giảm 2,43%, FPT giảm 2,29%, TCB giảm 1,8%. Điều này gây nên áp lực lớn cho các chỉ số và VN-Index xác lập phiên rơi thứ 4 liên tiếp. Chỉ số đóng cửa tại 1.091,88 điểm, chỉ còn cách mức đóng cửa thấp nhất cuối tháng 11 có vài điểm.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường vẫn đỏ là chủ đạo.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường vẫn đỏ là chủ đạo.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index có ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.080 điểm vốn đã một lần tạo đáy thành công trong nhịp điều chỉnh tháng 11 vừa qua. Nếu nhà đầu tư coi trọng ngưỡng hỗ trợ này thì tín hiệu đầu tiên thường là giảm bán. Thanh khoản sụt giảm mạnh hôm nay có thể là biểu hiện đầu tiên. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn hôm nay chỉ còn hơn 11.300 tỷ đồng, thấp nhất 15 phiên.

Dĩ nhiên với độ rộng cực xấu lúc đóng cửa – 112 mã tăng/415 mã giảm – bên mua đang thoái lui xuống các mức giá rất thấp. Thanh khoản giảm trong tình huống này rõ ràng là do thiếu cầu, tức là nhà đầu tư chưa muốn mua. Tới 126 cổ phiếu trên sàn HoSE chốt dưới tham chiếu hơn 1%. Sàn này có 33 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì tới 16 mã cũng giảm hơn 1%. 5 mã duy nhất trong nhóm thanh khoản hàng đầu này còn tăng giá là TCH tăng 2,79%, HAG tăng 1,92%, VCI tăng 1,11%, DIG tăng 0,99%, DGC tăng 0,54%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dường như “né” được áp lực bán vượt trội. Lợi thế của thanh khoản kém đang giúp dòng tiền nhỏ dễ cân bằng hơn. Trong 112 mã đi ngược dòng hôm nay, Smallcap có 49 mã và Midcap có 21 mã. Hầu hết các mã tăng có thanh khoản quanh 10 tỷ đồng trở xuống. Rất khó để xác định nhóm ngành trong các mã tăng vì không có tính đại diện. Khả năng đi ngược dòng ở nhóm này chủ yếu là nhờ cung cầu tại chỗ, đặc biệt là khả năng điều tiết thanh khoản.