12:09 18/12/2023

Vốn ngoại vẫn xả lớn, blue-chips chịu sức ép, VN-Index để mất ngưỡng 1.100 điểm

Kim Phong

Sau tuần tái cơ cấu, áp lực rút vốn từ khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu chậm lại. Khối này bán ròng tiếp hơn 357 tỷ đồng sáng nay trên HoSE và là phiên sáng thứ 16 liên tiếp. VN-Index giảm 0,66% dưới sức ép giảm giá của nhóm cổ phiếu blue-chips và khối ngoại xả trong rổ VN30 tới trên 31% thanh khoản...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất vẫn đang có nhiều trụ cố gắng giảm thiệt hại điểm số.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất vẫn đang có nhiều trụ cố gắng giảm thiệt hại điểm số.

Sau tuần tái cơ cấu, áp lực rút vốn từ khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu chậm lại. Khối này bán ròng tiếp hơn 357 tỷ đồng sáng nay trên HoSE và là phiên sáng thứ 16 liên tiếp. VN-Index giảm 0,66% dưới sức ép giảm giá của nhóm cổ phiếu blue-chips và khối ngoại xả trong rổ VN30 tới trên 31% thanh khoản.

Tuần trước khối ngoại bán ròng tổng cộng trên 3.350 tỷ đồng, tuy nhiên có chút nhiễu từ các giao dịch tái cơ cấu. Do đó nếu phiên đầu tuần tín hiệu bán chậm lại sẽ là tích cực. Tuy nhiên sáng nay quy mô bán ra của khối này vẫn rất đáng kể, với tổng giá trị xả ra tại HoSE đạt 920,6 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng giao dịch sàn, mức bán ròng hơn 357 tỷ đồng. Đặc biệt với cổ phiếu trong rổ VN30, khối này xả 591,5 tỷ, tương đương 31,3% giao dịch, mức bán ròng khoảng 171,9 tỷ đồng.

Dù vậy cũng không có cổ phiếu nào bị bán ròng quá đặc biệt. Lớn nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND -105,3 tỷ đồng. Quỹ này bị rút vốn thì cũng sẽ bán ròng các cổ phiếu thành phần. Các mã khác đáng chú ý là VNM -37,1 tỷ, VPB -24,7 tỷ, HDB -23,3 tỷ. Các cổ phiếu này đều giảm giá và có tỷ trọng bán lớn từ khối ngoại: VNM giảm 0,88% với 41% thanh khoản là do khối ngoại xả; VPB giảm 2,67% với khoảng 20% thanh khoản; HDB giảm 2,37% với gần 40%.

VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,93% đang là chỉ số nhóm vốn hóa kém nhất. Cả rổ chỉ còn 3 mã tăng là VJC tăng 0,97%, VHM tăng 0,25%, VRE tăng 0,22% nhưng tới 22 mã giảm trong đó 11 mã giảm trên 1%. Toàn bộ 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều là các mã trong VN30, dẫn đầu là VPB giảm 2,67%, VCB giảm 0,61%, FPT giảm 1,98%, BCM giảm 3,55%... VN-Index vẫn còn khá may mắn khi trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất chỉ có 3 mã giảm hơn 1%, còn lại BID, VIC tham chiếu, VHM tăng.

VN-Index chốt phiên sáng giảm 7,31 điểm, đã để mất ngưỡng 1.100 điểm, còn 1.094,99 điểm. Như vậy chỉ số đã quay lại điểm xuất phát từ đầu tháng 12 và rơi trở lại gần sát ngưỡng đáy của nhịp điều chỉnh nửa sau tháng 11.

Vốn ngoại vẫn xả lớn, blue-chips chịu sức ép, VN-Index để mất ngưỡng 1.100 điểm - Ảnh 1

Thanh khoản hai sàn sáng nay tiếp tục giảm 10%, còn 4.724 tỷ đồng trong đó HoSE giảm 9% còn 4.419 tỷ đồng. Sàn này có 10 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên thì 2 mã tăng là HAG tăng 2,3% với 217,3 tỷ đồng và DIG tăng 1,39% với 110,7 tỷ đồng, còn lại toàn giảm. Dù vậy với mức thanh khoản chung suy yếu, sức ép từ phía bán cũng không phải là quá mạnh, chủ yếu do bên mua lại quay đầu rút lui.

Độ rộng của VN-Index rất tệ ngay từ sớm, lúc 10h khi chỉ số hồi lại sát tham chiếu thì cũng chỉ có 142 mã tăng/252 mã giảm. Đến 11h độ rộng còn 96 mã tăng/354 mã giảm. Kết phiên sáng, HoSE có 91 mã tăng/362 mã giảm. Diễn biến của độ rộng cho thấy áp lực giảm giá là rất rộng và thị trường suy yếu dần theo thời gian dù thanh khoản không mạnh. Về mặt biên độ, HoSE có 95/362 cổ phiếu giảm quá 1% và thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 31% tổng khớp của sàn.

Ở phía tăng, trong 91 mã ngược dòng, 33 mã tăng trên 1% nhưng hầu hết thanh khoản nhỏ, đáng kể chỉ vài mã như HQC tăng 3,6% với 53,2 tỷ; HHS tăng 3,9% với 22,1 tỷ; ITA tăng 2,38% với 26,8 tỷ; TDM tăng 2,34% với 20,2 tỷ; HAG tăng 2,3% với 217,3 tỷ; DIG tăng 1,39% với 110,7 tỷ…

Thị trường điều chỉnh sang phiên thứ 4 liên tiếp đang là nhịp giảm dài nhất kể từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Nhịp chỉnh xuất hiện sau khi VN-Index không thể đột phá thành công qua đỉnh cao tháng 11 vừa qua và nhà đầu tư phản ứng bằng cách bán bớt cổ phiếu. Tuần qua thị trường có 3 phiên giảm liên tục nhưng có yếu tố bất lợi từ các giao dịch tái cơ cấu. Do đó nhịp giảm nếu xuất hiện tiếp trong tuần này sẽ là cơ hội tốt hơn để đánh giá sức ép trên thị trường, nhất là về mặt thanh khoản.