Cầu tín dụng sẽ bật tăng từ nay đến cuối năm?
Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và việc tiêm vaccine Covid-19 tiếp tục được triển khai tích cực, cầu tín dụng sẽ ghi nhận sự bật tăng và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng yhương mại...
Trong báo cáo cập thị trường trái phiếu từ ngày 10/09 đến 17/09/2021 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ ở các loại kỳ hạn – qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, lần lượt ở mức 0,01%; 0,05% và 0,03%, lên mức 0,64%; 0,77% và 0,92%/năm.
Tính tới cuối tháng 8, theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế so với đầu năm đạt 7,4% với mức dư nợ tăng lên đạt trên 680 nghìn tỷ và tiếp tục có diễn biến tăng sau khi đạt 6,66% vào cuối tháng 7.
Như vậy, nếu so với tháng ngay trước đó, tăng trưởng tín dụng của tháng 7 và tháng 8 vẫn tiếp tục duy trì dương, với mức tăng 0,69% và 1,13%. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất kinh doanh do lệnh giãn cách từ chỉ thị 16 ở nhiều địa phương.
So với cùng kỳ, sau 8 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt mức 4,82%, như vậy, mức tăng trưởng trong 8 tháng năm nay gấp khoảng 1,5 lần năm ngoái.
Trong các tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục mạnh, dự kiến từ tháng 10, trong kịch bản các địa phương dần gỡ bỏ các lệnh giãn cách và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được mở cửa trở lại.
Riêng trong Quý 4/2020 khi các hoạt động sản xuất diễn ra bình thường và các hoạt động dịch vụ du lịch nội địa bắt đầu được mở cửa trở lại, dư nợ tín dụng tăng từ 6,08% (cuối tháng 9) lên 12,13% vào cuối năm.
Như vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và việc tiêm vaccine Covid-19 tiếp tục được triển khai tích cực, cầu tín dụng sẽ ghi nhận sự bật tăng và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cấp thêm room tín dụng cho các Ngân hàng Thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động như trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng hạn mức tín dụng cho 1 số các Ngân hàng Thương mại, trong đó hạn mức cao nhất lên tới 30% để kích thích nền kinh tế.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán BSC cho rằng, dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021, đặc biệt trong Quý 3. Do đó, BSC điều chỉnh dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành về mức 13,0% trong năm 2021, giảm 1% so với báo cáo gần nhất.