Tăng trưởng tín dụng và động lực tăng trưởng huy động cùng chậm lại
Tăng trưởng tín dụng hầu như đi ngang trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Trong khi đó, xu hướng người dân ngày càng bớt gửi tiền vào ngân hàng vẫn đang diễn ra trong nhiều năm gần đây...
Với bối cảnh nhiều địa phương buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, trong đó bao gồm cả hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và Tp.HCM, tăng trưởng tín dụng và huy động cùng có dấu hiệu giảm tốc.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG ÂM TRONG NỬA ĐẦU THÁNG 8
Theo số liệu được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng kết, tính đến ngày 25/8, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7,06% so với đầu năm, tương đương ngành ngân hàng đã bơm khoảng 700.000 tỷ đồng ra nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm. Kết quả này vẫn tương đối tốt khi so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,75%) và xét đến tình hình giãn cách xã hội nghiêm trọng hơn trong năm nay.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại VDSC cũng cho biết, mức tăng trưởng này chủ yếu có được nhờ 6 tháng đầu năm. Tín dụng gần như không tăng trưởng trong tháng 7 và các phương án giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng sau đó có thể đã khiến tăng trưởng tín dụng giảm trong nửa đầu tháng 8. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,66% so với đầu năm tại thời điểm 11/8, tương đương giảm 0,3% trong vòng dưới hai tuần, chủ yếu do dư nợ cho vay ngắn hạn.
Sau quãng thời gian trầm lắng trên, cho vay ngắn hạn trở thành động lực dẫn dắt, trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn không thay đổi đáng kể. “Dự kiến xu hướng này sẽ được duy trì trong tháng 9 do một số ngân hàng đang cố gắng sử dụng hạn mức tín dụng”, VDSC đánh giá.
Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại đang tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức sắp tới. Nhiều khả năng sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc muộn nhất là nửa đầu tháng 10 do hạn mức tín dụng hiện tại được cấp thấp hơn kỳ vọng của hầu hết các ngân hàng. Ước tính hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành hiện tại vào khoảng 10,5%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 12-13% cho cả năm.
Ở thời điểm hiện tại, giãn cách xã hội đã khiến việc thực hiện các thủ tục giấy tờ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến việc khởi tạo các khoản vay mới tiến hành chậm mặc dù các ngân hàng đã liên tục phát triển và ứng dụng công nghệ vào hệ thống. Việc phê duyệt cho vay trực tuyến tại các ngân hàng đã được giới thiệu rộng rãi, đặc biệt là đối với các khoản vay tín chấp.
Thế nhưng, một số khâu vẫn chưa hoàn toàn tự động hóa như việc thẩm định tài sản thế chấp. Quá trình xác minh hoặc đánh giá thiếu khách quan sẽ dẫn đến rủi ro tín dụng tiềm ẩn. Đây là một trong những lý do khiến nhiều ngân hàng thương mại tập trung vào nhóm khách hàng hiện hữu hơn là mở rộng khách hàng mới trong hoạt động tín dụng do hiểu rõ hơn hồ sơ rủi ro của khách hàng. Rủi ro tín dụng của nền kinh tế tăng cũng khiến các ngân hàng phải nới khẩu vị rủi ro để duy trì tăng trưởng tín dụng phù hợp.
TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG HUY ĐỘNG DẦN KÉM
Về tăng trưởng huy động, nhóm phân tích cho rằng động lượng duy trì ổn định sau khi chịu tác động bởi yếu tố mùa vụ trong hai tháng đầu năm. Tăng trưởng huy động tính đến cuối tháng 7 đạt 3,99% so với đầu năm và tính đến 25/8 đạt 4,44%.
Theo VDSC, lãi suất huy động thấp đang gây áp lực lên phía người gửi tiền, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu tối ưu biên NIM góp phần làm giảm nhu cầu mở rộng mạnh cơ sở huy động ở các ngân hàng. Động lực tăng trưởng đang được hỗ trợ bởi việc áp dụng tiền gửi trực tuyến và eKYC, vốn giúp ổn định nhu cầu gửi tiền trong điều kiện giãn cách xã hội.
Nhóm phân tích kỳ vọng giai đoạn tái mở cửa với nhu cầu ít bị gián đoạn hơn và động lực tăng trưởng tín dụng ổn định lại. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động có thể vẫn còn lệch pha trong giai đoạn sắp tới.
Do tăng trưởng huy động ít bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn hơn so với tín dụng và dựa trên dự báo trước đó về sự thay đổi cơ cấu tiền gửi của ngành diễn ra cho đến cuối quý 3, có khả năng độ dốc của xu hướng tăng trưởng huy động có thể không đủ để đạt mức trung bình của biên độ dự phóng là 10,8%.
Trước đó, trong báo cáo chiến lược năm 2021, VDSC đã dự báo tăng trưởng tổng tiền gửi năm nay là 9,2 - 12,3%. Có khả năng mức tăng trưởng chỉ dừng lại ở mức một chữ số ngay cả khi cân nhắc đến yếu tố mùa vụ của nhu cầu gửi tiền của doanh nghiệp, tuy nhiên, các chuyên gia của VDSC vẫn chờ các kế hoạch tái mở cửa rõ ràng hơn để đánh giá tốc độ phục hồi trước khi điều chỉnh dự báo.
Được biết, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong 5 năm qua, tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng tăng chậm lại. Điều này cho thấy người dân đang có xu hướng bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%.