CEO hãng thép hàng đầu Nhật Bản mất chức vì bê bối gian lận
Vụ bê bối giả mạo dữ liệu tại hãng thép lớn thứ ba Nhật Bản Kobe Steel đã khiến CEO hãng này mất chức
Vụ bê bối giả mạo dữ liệu tại hãng thép lớn thứ ba Nhật Bản Kobe Steel đã khiến Giám đốc điều hành (CEO) và một số lãnh đạo cấp cao khác của công ty này mất chức.
Bị phanh phui vào tháng 10 năm ngoái, việc Kobe Steel không trung thực về chất lượng sản phẩm nối dài chuỗi bê bối bị phát giác trước đó của các công ty Nhật Bản, xói mòn uy tín và danh tiếng chất lượng mà nền công nghiệp Nhật đã giữ vững suốt nhiều thập kỷ.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn một tuyên bố ngày 6/3 của Kobe Steel cho biết ông Hiroya Kawasaki, vị CEO 63 tuổi của công ty, sẽ từ chức từ ngày 1/4. Đây là quyết định đã được thông qua tại một cuộc họp Hội đồng Quản trị vào ngày thứ Hai.
Phó chủ tịch điều hành Akira Kaneko, 63 tuổi, người phụ trách mảng nhôm và đồng của Kobe Steel, cũng sẽ từ chức.
"Tôi nghĩ cách tốt nhất cho công ty là nhanh chóng cải cách dưới sự lãnh đạo của các nhà quản lý mới, để chúng tôi có thể chứng minh cho mọi người thấy là công ty đã thay đổi", ông Kawasaki phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày thứ Ba. "Chúng tôi một lần nữa xin lỗi sâu sắc vì hành vi sai trái đã gây ra sự bất tiện lớn cho khách hàng và cổ đông".
Hiện Kobe Steel chưa quyết định ai sẽ là người thay thế ông Kawasaki trên cương vị CEO.
Vụ bê bối tại hãng thép này được đưa ra ánh sáng trong một báo cáo của một nhóm các nhà điều tra bên thứ ba. Theo báo cáo, do nhấn mạnh vấn đề lợi nhuận, do áp lực phải hoàn thành công việc đúng thời hạn, do mức độ tuân thủ quy định của nhân viên suy giảm, và do các thủ tục kiểm soát chất lượng thiếu đảm bảo, việc thao túng dữ liệu đã xảy ra tại Kobe Steel.
Báo cáo thanh tra cũng cho biết có thêm 163 công ty bị ảnh hưởng bởi bê bối làm giả dữ liệu của Kobe Steel, nâng tổng số khách hàng bị ảnh hưởng đã được xác định tới thời điểm này lên con số 605. Trong số đó có hãng xe Toyota Motor, nhà sản xuất máy bay Mitsubishi Aircraft…
Để ngăn chặn những vụ bê bối tương tự có thể tái diễn, Kobe Steel tuyên bố sẽ tăng số thành viên độc lập lên mức chiếm 1/3 Hội đồng Quản trị. Ngoài ra, công ty cũng hứa sẽ thúc đẩy giao tiếp và liên lạc giữa các nhà quản lý và nhân viên.
Tháng 10/2007, Kobe Steel thú nhận đã làm giả dữ liệu về một số sản phẩm nhôm và đồng, và những sản phẩm có gian lận đã được bán cho một số khách hàng bao gồm các hãng xe hơi và công ty vận hành tàu cao tốc. Vụ bê bối lan rộng khi Kobe Steel tiếp tục bị phát hiện gian lận dữ liệu về các sản phẩm khác được sử dụng cho nhiều mặt hàng chế tạo, bao gồm tên lửa và linh kiện tàu cao tốc.
Kobe Steel nói việc làm giả dữ liệu đã diễn ra liên tục từ đầu thập niên 1970 tại các nhà máy của hãng. Hãng thép 112 năm tuổi này cho biết nhân viên đã thay đổi các dữ liệu, bao gồm thông tin về sức bền của sản phẩm, để phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật của khách hàng.