12:14 25/11/2021

CEO JPMorgan Chase bất an sau pha “lỡ miệng” về Trung Quốc

An Huy

Ngay khi vừa thốt ra câu nói đó, CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase đã hiểu rằng việc mang Trung Quốc ra đùa có thể khiến ông gặp rắc rối lớn...

CEO James Dimon của JPMorgan Chase - Ảnh: Bloomberg.
CEO James Dimon của JPMorgan Chase - Ảnh: Bloomberg.

“Tôi mới ở Hồng Kông về. Tôi nói vui rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và JPMorgan cũng vậy. Tôi dám cá rằng JPMorgan sẽ tồn tại lâu hơn”, ông Dimon nói trong một sự kiện ở Boston, Mỹ vào hôm thứ Ba. Sau đó, ông nói thêm: “Tôi không thể nói như vậy ở Trung Quốc. Nhưng có lẽ họ đang nghe thấy những gì tôi nói”.

Ông Dimon, người nổi tiếng với những phát ngôn không kiêng dè, cũng hiểu rằng ngân hàng do ông lãnh đạo có thể phải điều chỉnh để tránh những rủi ro mà câu chuyện đùa của ông có thể mang lại. Bởi vậy, một nhóm quan hệ chính phủ của JPMorgan Chase và các văn phòng của nhà băng này tại Trung Quốc đã tiến hành họp để thảo luận về phát ngôn của vị CEO và quyết định xem nên thừa nhận hay bỏ mặc cho câu chuyện trôi qua. Khoảng 18 giờ đồng hồ sau, khi câu chuyện đùa của ông Dimon đã được thế giới biết đến, ông ra một tuyên bố bày tỏ sự hối tiếc.

“Hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đã phải lên tiếng xin lỗi vì những phát ngôn liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc”, nhà sáng lập Isaac Ston Fish của Strategy Risks, một công ty quan hệ công chúng ở Trung Quốc, nói với hãng tin Bloomberg. Việc ông Dimon bày tỏ hối tiếc về những gì ông ấy đã nói “là một cách thông minh để xin lỗi”.

Sau pha “lỡ miệng”, ông Dimon đang phải cố gắng xoa dịu tình hình, và đây không phải là lần đầu tiên. Dimon đã có cả một lịch sử những phát ngôn gây tranh cãi mà ông phải tìm cách “chữa cháy” sau đó. Hồi năm 2018, tại một sự kiện từ thiện, ông tuyên bố có thể đánh bại ông Donald Trump trong một cuộc bầu cử vì ông thông minh hơn vị Tổng thống Mỹ ở thời điểm đó. Chỉ vài giờ sau, ông Dimon nói lẽ ra ông không nên nói như vậy.

Những lời nói thiếu cẩn trọng và hành động xin lỗi sau đó của ông Dimon khiến nhiều người nhớ đến trường hợp một nhân vật “cỡ bự” khác ở Phố Wall cách đây vài năm. Đó là khi cựu CEO Lloyd Blankfein của ngân hàng Goldman Sachs gây sóng gió khi nói rằng nhà băng này đang làm “công việc của Chúa”. Ồn ào sau đó cũng lắng xuống, nhưng đây chắc chắn là một phát ngôn không được hoan nghênh.

Việc ông Dimon vội vàng xin lỗi sau khi “lỡ lời” cho thấy mong muốn của JPMorgan trong việc giữ quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, nơi ngân hàng này có lợi ích gần 20 tỷ USD và đang muốn mở rộng hoạt động hơn nữa. Năm nay, JPMorgan đã nhận được sự phê chuẩn của cơ quan chức năng Trung Quốc cho phép toàn quyền sở hữu công ty chứng khoán tại nước này. JPMorgan cũng muốn duy trì vị thế tốt ở Trung Quốc để xin những giấy phép tiếp theo, nhất là trước khi Trung Quốc có thể có những thay đổi nhân sự sau kỳ Đại hội Đảng Cộng sản vào đầu năm 2022.

Giới chức Trung Quốc hiện chưa có bất kỳ phản ứng nào với phát ngôn của ông Dimon, nhưng giới quan sát không dám chắc rằng Bắc Kinh sẽ “bỏ qua” chuyện này. Hồi năm 2019, ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS đối mặt sức ép phải sa thải chuyên gia kinh tế trưởng Paul Donovan sau khi ông này bình luận nhạy cảm về Trung Quốc khi đề cập tới vấn đề lạm phát. Ông Donovan sau đó phải lên tiếng xin lỗi.

Những lời bày tỏ hối tiếc của ông Dimon cũng phản ánh sự thận trọng cần có đối với các công ty khi kinh doanh tại Trung Quốc, nơi tiềm năng lợi nhuận là rất lớn. Năm ngoái, đối mặt với phản ứng dữ dội của người tiêu dùng Trung Quốc sau khi gọi Hồng Kông và Đài Loan là những “quốc gia”, hai thương hiệu thời trang phương Tây lớn là Coach và Versace đã phải vội vàng xin lỗi và đính chính website để chứng tỏ sự tôn trọng đối với “cảm giác của nhân dân và chủ quyền quốc gia” của Trung Quốc.

Ông Dimon có lợi thế là nhận được nhiều cảm tình ở Trung Quốc, một thị trường ông từ lâu đã nhận thấy tiềm năng to lớn.. Trong một lá thư thường niên gửi cổ đông dài 66 trang năm nay, ông Dimon dành hơn 1 trang để nói về Trung Quốc. Ông viết rằng trong hơn 40 năm qua, Trung Quốc “đã làm được một công việc rất hiệu quả” về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng trong 40 năm tới, Trung Quốc sẽ phải đối nhiều vấn đề lớn bao gồm thiếu nguồn lực và bất bình đẳng thu nhập.

Pha “lỡ miệng” của vị CEO ngân hàng Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu căng thẳng trong những vấn đề như quyền tiếp cận thị trường, an ninh dữ liệu và niêm yết cổ phiếu quốc tế. Về phần mình, Phố Wall đã và đang cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhằm giành quyền tiếp cận với hệ thống tài chính 54 nghìn tỷ USD tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Theo ông Stone Fish, còn sớm để cho rằng câu nói đùa của ông Dimon có dẫn tới hành động trả đũa từ phía Trung Quốc hay không, nhưng ông không tin là mọi chuyện sẽ kết thúc luôn ở đây. “Các công ty và cá nhân đang ngộ ra rằng những gì xảy ra ở Trung Quốc hoặc liên quan tới Trung Quốc sẽ không chỉ nằm ở Trung Quốc. Những chuyện như thế có thể có ảnh hưởng trong thế giới thực đến họ và hoạt động kinh doanh của họ ở Mỹ”.