18:05 15/07/2021

“Cha đẻ” Dogecoin phê phán ngành tiền ảo, tuyên bố không bao giờ trở lại

Điệp Vũ

Jackson Palmer, nhà đồng sáng lập đồng tiền ảo Dogecoin, có lần “tái xuất” hiếm hoi trên mạng xã hội Twitter vào ngày 14/7, với những lời lẽ không mấy thân thiện với tiền ảo nói chung...

Jackson Palmer, một trong hai nhà sáng lập tiền ảo Dogecoin.
Jackson Palmer, một trong hai nhà sáng lập tiền ảo Dogecoin.

“Tôi thường được hỏi liệu có ‘trở lại với tiền ảo’ hay có bắt đầu việc thường xuyên chia sẻ những suy nghĩ của mình về chủ đề này. Câu trả lời từ tận đáy lòng tôi là ‘không’”, Palmer viết trong một dòng trạng thái (tweet).

Năm 2013, Palmer và Billy Markus tạo ra Dogecoin như một trò đùa dựa trên hình ảnh một chú chó Shiba Inu tinh nghịch phổ biến trên mạng Internet. Cả hai đều không nghĩ rằng đồng tiền ảo mà họ tạo ra sẽ được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, Dogecoin đã tăng giá chóng mặt gần đây và hiện đang nằm trong top 10 tiền ảo lớn nhất thế giới về vốn hoá thị trường. Trong cơn sốt tiền ảo năm nay, giá Dogecoin có lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại gần 0,74 USD.

Tuy nhiên, cả Palmer và Markus đều không hưởng lợi từ sự tăng giá của đồng tiền ảo mà họ tạo ra, bởi cả hai đều đã bán sạch trước khi Dogecoin trở nên nổi tiếng.

Trong loạt dòng tweet, Palmer chỉ trích những nhân vật quyền lực trong thế giới tiền ảo, cho rằng lĩnh vực này đang “bị kiểm soát bởi một liên minh hùng mạnh những nhân vật giàu có”. Nhà sáng lập nói rằng chính những người này đã tích hợp vào thế giới tiền ảo “nhiều trong số những định chế tài chính đại diện cho hệ thống tài chính tập trung hoá hiện có, trong khi chính họ lúc đầu đưa ra mục tiêu thay thế những định chế này”.

Palmer cũng chỉ trích cách thức tiền ảo được chia sẻ và quảng bá, cho rằng “ngành tiền ảo đang lợi dụng một mạng lưới những mối quan hệ ngầm, lôi kéo những nhân vật có ảnh hưởng và các tổ chức truyền thông dễ bị mua chuộc để duy trì sức hấp dẫn của sự ‘làm giàu nhanh như thần’, nhằm hút tiền của những người ngây thơ và khao khát kiếm tiền”.

Palmer thừa nhận kiểu “bóc lột tài chính” như vậy đã tồn tại từ trước khi có tiền ảo, nhưng tin ngành tiền ảo gây tổn hại cho những người bình thường tham gia thị trường này. Palmer cũng nói tiền ảo là mảnh đất thuận lợi cho những hành vi gian lận - một đánh giá tương tự như của các nhà phê bình tiền ảo khác.

Tuy nhiên, những người ủng hộ tiền ảo lại có một cái nhìn khác. Chẳng hạn, đồng tiền ảo lớn nhất về giá trị vốn hoá Bitcoin được tạo ra với mục đích trở thành một hệ thống tài chính ngang hàng (peer to peer) phi tập trung hoá. Những người nắm giữ Bitcoin cũng xem tiền ảo này là một phương thức chống lạm phát bên cạnh những tác dụng khác.

Đồng tình với loạt tweet của Palmer, Markus đăng một dòng tweet nói rằng “quan điểm của Palmer nhìn chung hợp lý”.

“Có nhiều người xấu trong lĩnh vực tiền ảo. Tôi hoàn toàn hiểu được vì sao Palmer cảm thấy tiêu cực về điều đó”, Markus viết. “Tôi hiểu quan điểm của anh ấy và cả hai chúng tôi đều nhận thấy mặt tiêu cực của vấn đề”.

Khác với sự “ẩn dật” của Palmer, Markus xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội, dù hiện không tham gia vào phát triển Dogecoin.

“Cộng đồng tiền ảo có thể là một cộng đồng tinh hoa và không rộng mở lắm, và chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng vui vẻ hơn, bao trùm hơn”, Markus từng nói với hãng tin CNBC về việc tạo ra Dogecoin. “Việc đó đã phát huy tác dụng, và đó là lý do vì sao cộng đồng Bitcoin duy trì sự hiện diện”.