11:25 12/07/2022

Chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc chữa bệnh

Phúc Minh

Tình trạng chậm đấu thầu tại các địa phương đã ảnh hưởng tới việc thiếu thuốc, vật tư y tế. Thậm chí có tình trạng địa phương đã hết hạn đấu thầu từ năm 2021 nhưng đến tận tháng 6/2022 chưa làm được kết quả đấu thầu cho năm 2022…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là vấn đề đang diễn ra tại nhiều địa phương, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

TRÁNH THIẾU TIỀN KHI CÓ KẾT QUẢ TRÚNG THẦU

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết mặc dù nguồn lực hạn chế nhưng Quỹ bảo hiểm y tế hàng năm chi trả trung bình trên dưới 1 triệu/người/năm cho cả người đóng cao và thấp, thậm chí những đối tượng yếu thế, người nghèo được thanh toán từ 95 - 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, có gần 10.000 dịch vụ kỹ thuật được bảo hiểm y tế chi trả, từ dịch vụ cao cấp nhất như PET/CT, mổ bằng robot đến dịch vụ đơn giản như xét nghiệm máu, triển khai thanh toán từ trạm y tế xã phường tới bệnh viện, người đóng bảo hiểm y tế cao hay bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng được thanh toán như vậy.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua diễn ra cục bộ tại nhiều địa phương trên cả nước khiến nhiều dịch vụ thuộc danh mục chi trả của bảo hiểm y tế nhưng người dân vẫn phải tự xoay sở mua bên ngoài.

Về vấn đề này, ông Phúc cho biết, thường trực Chính phủ đã họp, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã họp lại với nhau, phân tích mổ xẻ nguyên nhân, do cơ chế chính sách thì gỡ từ cơ chế chính sách liên quan đến mua sắm đấu thầu, do tổ chức thực hiện thì khắc phục từ tổ chức thực hiện. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị tổ chức thực hiện, phối hợp xây dựng chính sách với Bộ Y tế.

Liên quan đến công tác đấu thầu thuốc trong thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia theo Nghị định 63, tham gia đấu thầu thuốc từ cấp Trung ương tới địa phương. Cơ quan này cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương luôn luôn theo dõi việc đấu thầu đã sắp hết hạn hay chưa, thông báo tới sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh về việc này.

“Theo thống kê, có tình trạng 7 địa phương đã hết hạn đấu thầu từ năm 2021 mà đến tận tháng 6/2022 chưa làm được kết quả đấu thầu cho năm 2022. Rõ ràng tình trạng chậm đấu thầu ảnh hưởng tới việc thiếu thuốc. Lại có những địa phương chỉ đấu thầu thuốc theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng. Thêm vào đó, trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, việc tập trung nhân lực cho công tác đấu thầu còn hạn chế”, ông Phúc thông tin.

Trước đó, Bộ Y tế cũng thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Thậm chí, ngay cả khi một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

Mới đây, Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu và chuẩn bị công bố kết quả đấu thầu tập trung trong tháng 7 này. Tuy nhiên, theo ông Phúc, vì gói thầu của Bộ Y tế chiếm khối lượng lớn, gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 số chi tiền thuốc trong một năm nên cũng ảnh hưởng rất lớn. Do đó, nếu chậm thầu từ Trung ương thì cũng sẽ ảnh hưởng tới cung ứng thuốc tại các địa phương và đó là những loại thuốc rất quan trọng, chủ yếu là thuốc nhóm 1, nhóm 2, việc đàm phán giá hiện nay cũng chậm.

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội các địa phương triển khai bám sát việc này, phối hợp với các sở y tế để triển khai thực hiện mua sắm thuốc đảm bảo không thiếu thuốc. “Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thực hiện giám định, thanh toán nhanh nhất, tạm ứng chi phí cho các cơ sở y tế đầy đủ theo quy định, để tránh bị thiếu tiền khi có kết quả trúng thầu của Bộ Y tế”, ông Phúc nhấn mạnh.

GIÁ DỰ THẦU ĐÃ TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ

Lien quan đến chi phí thực tế khi đấu thầu đã tính đúng tính đủ hay chưa, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến cho biết, giá thuốc dự thầu không phải giá thuốc nhập về, mà ngoài giá nhập về, cơ sở, đơn vị kinh doanh thuốc còn tính toán các chi phí khác, kể cả chi phí lợi nhuận, còn nếu nhập nguyên liệu thì có thêm chi phí đóng gói, bao bì, vận hành… sau đó mới ra giá dự thầu.

Giá dự thầu có tham khảo trong vòng 12 tháng chứ không phải tại thời điểm trước khi đấu thầu, nên giá dự thầu là cả một dải giá, chỉ quy định không được vượt quá giá cao nhất, chứ không quy định giá thấp nhất. “Như vậy với dải giá từ 10 – 100 chẳng hạn có thể chọn 100 chứ không được chọn 101. Vấn đề này sẽ do hội đồng đấu thầu tính toán để với số lượng thuốc, địa bàn, khả năng cung ứng của nhà thầu sẽ đưa ra mức giá kế hoạch sát nhất với tình hình thực tế. Cho nên giá dự thầu là giá đã được các doanh nghiệp tính đúng, tính đủ”, ông Đức khẳng định.

Một vấn đề nữa là, theo quy định của Thông tư 15/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hướng dẫn, trong trường hợp thuốc nằm trong các mặt hàng thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, nhưng chưa tổ chức đấu thầu được thì cơ sở khám chữa bệnh được phép đấu thầu, hoặc mua sắm bằng các hình thức hợp pháp khác.

Nếu trường hợp đang sử dụng mặt hàng đó mà có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia thì sản phẩm đó sẽ được áp dụng giá của đấu thầu tập trung quốc gia. “Tuy nhiên, hầu như đấu thầu tập trung quốc gia sẽ có giá thấp hơn giá mua lẻ”, ông Đức thông tin.

Theo ông Đức, đấu thầu tập trung có rất nhiều lợi thế, đặc biệt sẽ giảm được các hội đồng đấu thầu thuốc ở các cấp cơ sở khám chữa bệnh. “Hình dung một năm có khoảng 400 – 500 hội đồng đấu thầu thuốc chỉ có đi đấu thầu, và đấu thầu cũng rất vất vả, bởi vì đấu thầu thuốc là một mặt hàng đọc tên đã khó, lại còn phải đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất ở Trung Quốc đã khác ở ASEAN, rồi khác các nước EU, cho nên việc đấu thầu thuốc là không hề đơn giản”, ông Đức nhấn mạnh.