Thiếu thuốc chữa bệnh phải mua bên ngoài: Hoàn tiền cho người bệnh thế nào?
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra cục bộ khiến người bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài, trong khi nhiều loại thuốc thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế...
Tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về Bảo hiểm y tế sáng 8/7, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay có 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế.
NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG THANH TOÁN TRỰC TIẾP
Trong số này, có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỷ lệ thanh toán.
"Đây chủ yếu là các hoạt chất thuộc nhóm thuốc có giá thành cao, chi phí lớn hoặc thuốc thế hệ mới cần được sử dụng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị để đảm bảo tính chi phí hiệu quản, mặt khác thuộc nhóm thuốc đã có nhiều hoạt chất khác có tác dụng tương tự được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100%", ông Phúc thông tin.
Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, bao gồm 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm.
Về danh mục dịch vụ kỹ thuật, theo các văn bản quy định về việc phân loại dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật thì có khoảng trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế quy định cho phép thực hiện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay có 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế (trong có chỉ có 124 dịch vụ/nhóm dịch vụ được quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán).
Theo ông Phúc, lý do trong 19.000 dịch vụ nêu trên có nhiều dịch vụ cùng tên hoặc khác tên nhưng cùng bản chất, cùng quy trình được sắp xếp tại nhiều chuyên khoa khác nhau dẫn đến trùng lặp; danh mục cũng bao gồm nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ như dịch vụ thẩm mỹ, làm răng giả…; có một số dịch vụ chưa được quy định mức giá thanh toán.
Thời gian vừa qua, tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Ông Phúc cho biết, qua thống kê hiện nay cho thấy, một số địa phương thiếu thuốc nhiều như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu. Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế.
Trước những băn khoăn về việc trong trường hợp này, người bệnh sẽ được hoàn trả chi phí thuốc, vật tư thế nào, ông Phúc cho rằng, thực tế, trong quy định về thanh toán trực tiếp hiện nay đối với người bệnh không có việc thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế.
Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ cũng quy định rõ cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. “Trách nhiệm này là thuộc về cơ sở khám chữa bệnh. Như vậy, để thanh toán được cần ý kiến của cấp có thẩm quyền, thanh toán cho bệnh viện hay người bệnh”, ông Phúc lý giải. Luật Bảo hiểm y tế cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp, vậy đâu là trường hợp đặc biệt, chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ Y để để triển khai việc thanh toán này”, ông Phúc thông tin.
Theo ông Phúc, có hai hình thức có thể thanh toán là cơ sở khám chữa bệnh thanh toán lại cho người bệnh, sau đó bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán lại với cơ sở khám chữa bệnh, hoặc có thể thanh toán trực tiếp. Tuy nhiên, vấn đề thanh toán trực tiếp còn nhiều vướng mắc, chẳng hạn như áp dụng mức giá nào để thanh toán cho người bệnh, chất lượng thuốc có đảm bảo hay không khi người bệnh đi mua ở ngoài, nhất là các loại thuốc cần bảo quản trong những điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm…
“Chúng tôi không khuyến khích việc người bệnh phải tự đi mua thuốc bên ngoài, bởi vì có những trường hợp thuốc rất đắt, người dân không thể bỏ số tiền lớn để mua sau đó mới thanh toán được. Vì vậy, bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm vừa đảm bảo mức giá vừa đảm bảo chất lượng và quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế”, ông Phúc nhấn mạnh.
CƠ SỞ Y TẾ NGẠI THAM GIA ĐẤU THẦU
Liên quan đến việc bỏ đấu thầu tập trung và giao cho các đơn vị tự chủ, ông Phúc cho biết, hiện một số địa phương như TP. HCM cũng đang cho các cơ sở tham gia đấu thầu, tuy nhiên việc đấu thầu tại các cơ sở thực tế mất rất nhiều thời gian, việc thanh toán, giá cả giữa các cơ sở khám chữa bệnh cũng có sự chênh lệch. “Vì mất nhiều thời gian, nhân lực như vậy, nên các cơ sở y tế cũng không muốn tham gia đấu thầu”, ông Phúc thừa nhận.
Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang diễn ra cục bộ, một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở các cơ cơ sở y tế cả tại Trung ương và địa phương khá chậm.
“Chúng tôi đã thống kê có những mặt hàng dù đã hết nhưng chậm trên 3 tháng, có những tỉnh phải đấu thầu tập trung ở Sở Y tế như Nghệ An, TP. HCM, Hà Nội thì tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu diễn ra khá phổ biến”, ông Đức thông tin.
Tuy nhiên, khi theo dõi chi phí bình quân của một đơn vị cấp thuốc cho người bệnh từ tháng 4 đến tháng 6 thì chưa có sự biến động quá lớn, mức độ chênh lệch khoảng dưới 10.000 đồng một đơn thuốc, chiếm khoảng 5%.
Theo ông Đức, thực tế việc đấu thầu hiện nay có rất nhiều vấn đề, kể cả có quy định nhưng vẫn còn những lỗ hổng trong quá trình đấu thầu. Do đó, ông Đức cho rằng đã đến lúc Bộ Y tế nên nghiên cứu thay đổi hình thức đấu thầu bằng kiểm soát giá thuốc, đó là đưa ra mức giá trần, từ đó các cơ sở khám chữa bệnh có thể tự mua sắm ở các các đơn vị cung ứng theo mức giá này.