Chất lượng đô thị trước nguy cơ xâm lấn đất công cộng
hiện nay, Hà Nội chỉ còn 0,3% tổng diện tích đất dành cho các công viên trong thành phố
Theo ông Trần Trung Chính, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, chất lượng đô thị ngày càng tồi tệ vì trước hết đất dành cho những công trình công cộng không được chú trọng từ nghiên cứu phát triển, quy hoạch, đến thực thi và quản lý đô thị.
Thực tế cho thấy đất công cộng, không gian công cộng đã và đang đứng trước nguy cơ xâm lấn rất cao.
Người dân cũng không ngừng lấn chiếm từ các hệ thống hành lang sông, mương trong thành phố, khoảng không gian công cộng lưu không giữa các đơn nguyên nhà... cho đến mọi mảnh vỉa hè của đô thị. Tình trạng này rất phổ biến tại các đô thị lớn.
Cụ thể, theo thống kê, hiện nay, Hà Nội chỉ còn 0,3% tổng diện tích đất dành cho các công viên trong thành phố, bình quân đầu người chưa đạt 1m2/người, chỉ bằng một nửa của Bangkok (Thái Lan). Mặt khác, các công viên của Hà Nội không phân bố đều trên lãnh thổ thành phố, trong số 4 công viên lớn thì 3 công viên thuộc khu vực trung tâm thành phố. Toàn Hà Nội mở rộng cũng chỉ có khoảng 60 công viên.
Nếu tính bình quân diện tích công viên trên người ở 4 quận trung tâm là 1,5m2/người thì khu vực ngoại thành chỉ ở mức 0,05m2/người. Sự phân bố không đều không gian công viên này khiến cho một nửa dân số đô thị Hà Nội, nhất là thanh thiếu niên và người già không thể đến công viên bằng cách đi bộ nên không thể sử dụng chúng dễ dàng và thường xuyên.
Để bù lại cho sự thiếu thốn không gian công cộng chính thức hay được quy hoạch dành cho đi lại, giao tiếp và sinh hoạt xã hội, người dân đô thị xu hướng tận dụng vỉa hè, đường phố cho mọi hoạt động cá nhân và xã hội của họ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu định cư nhận định: Từ sau đổi mới đến nay, do tập trung quá nhiều cho sự chuyển đổi kinh tế nên giao thông, công nghiệp, xây dựng khu đô thị mới... được ưu tiên, còn đầu tư cho phát triển dịch vụ công cộng đô thị ở tất cả các cấp độ thành phố, quận, huyện, khu dân cư... bị bỏ ngỏ. Nó minh chứng cho sự lộn xộn diễn ra ở khắp nơi trong các thành phố.
Mạng lưới dịch vụ cũ ngày càng quá tải, xuống cấp do bùng nổ dân số cưỡng bức, do ách tắc giao thông, do sức ép xây công trình xây dựng cao tầng bằng mọi giá lên trung tâm cũ. Bộ mặt các khu trung tâm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM... đang bị tàn phá nặng nề làm cho nguy cơ phá vỡ cấu trúc đô thị hiện hữu. Tình trạng hàng rong, chợ tạm, chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng là minh chứng cho sự quá tải này.
Khi mà các đô thị Việt Nam đang phải đối đầu với những sức ép đó lên các đô thị cũ, chưa có giải pháp nào khả dĩ thì đã phải đương đầu với hiện tượng xây dựng các khu đô thị mới kiểu “đô thị - phòng ngủ” từ khắp các nơi có quỹ đất nông nghiệp. Các dịch vụ công cộng đang rệu rã ở các khu vực trung tâm nay lại càng bi đát hơn khi chưa có ai chịu đầu tư nó ở các khu đô thị mới.
Trên 700 khu đô thị mới đang được đưa vào sử dụng, không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ công cộng đời sống tối thiểu như: việc làm do dịch vụ tại chỗ, chợ, trường học, hành chính dân cư, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, bệnh viện... đã làm cho hoạt động của đô thị tại chỗ thực sự bế tắc.
Sáng ra, hầu hết dân cư tại các đô thị mới lên đường để đi làm, đến các trường học, bệnh viện, chợ búa, giao dịch... ở các trung tâm cũ và chiều tối là dòng người ngược lại, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, mua bán vỉa hè, đô thị thực sự hỗn độn. Căn bệnh đó càng trở nên trầm kha khi gần đây các đô thị ngày càng mở rộng, liên kết cả về không gian và hoạt động kinh tế để trở thành vùng đô thị như vùng đô thị Tp.HCM, vùng thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Vấn đề an sinh xã hội, dịch vụ công cộng thiết yếu, tiện ích thành phố quá thiếu thốn nếu không được giải quyết tốt sẽ trở thành các bế tắc đô thị trong tương lai.
Bà Vũ Thị Vinh, Phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam khẳng định: để đảm bảo cuộc sống cho người dân, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị mới phải hoàn chỉnh và đồng bộ, bao gồm nhà ở, các công trình chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục, công trình văn hóa xã hội, các công trình thương mại dịch vụ... đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân.
Muốn thế, theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chính phủ cần có riêng một nghị định về quy hoạch chỉnh trang đô thị cũ, trong đó quy định phải tăng diện tích các công trình công cộng, từ hệ thống hạ tầng cơ sở đến các công trình phục vụ, vui chơi, giải trí.
Đối với đất thu hồi, khi di chuyển nhà máy, kho tàng ra khỏi nội thị cần dành toàn bộ đất cho công trình công cộng; cải tạo theo hướng ưu tiên mở rộng các hè lối đi cho người đi bộ và phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện ô tô các nhân, đặc biệt đối với các khu phố cổ.
Cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các điểm dân cư nông thôn liền kề khu đô thị, khi chưa có quy hoạch chi tiết, cơ quan chức năng cần có quy định bắt buộc nhằm chuẩn bị cho các công trình công cộng trong tương lai như làm nhà cách ngõ ít nhất 3-5m, để phục vụ cho việc mở đường, làm hệ thống cấp - thoát nước....; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, nhất là trong các khu chung cư, khu ngõ ngách, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Thực tế cho thấy đất công cộng, không gian công cộng đã và đang đứng trước nguy cơ xâm lấn rất cao.
Người dân cũng không ngừng lấn chiếm từ các hệ thống hành lang sông, mương trong thành phố, khoảng không gian công cộng lưu không giữa các đơn nguyên nhà... cho đến mọi mảnh vỉa hè của đô thị. Tình trạng này rất phổ biến tại các đô thị lớn.
Cụ thể, theo thống kê, hiện nay, Hà Nội chỉ còn 0,3% tổng diện tích đất dành cho các công viên trong thành phố, bình quân đầu người chưa đạt 1m2/người, chỉ bằng một nửa của Bangkok (Thái Lan). Mặt khác, các công viên của Hà Nội không phân bố đều trên lãnh thổ thành phố, trong số 4 công viên lớn thì 3 công viên thuộc khu vực trung tâm thành phố. Toàn Hà Nội mở rộng cũng chỉ có khoảng 60 công viên.
Nếu tính bình quân diện tích công viên trên người ở 4 quận trung tâm là 1,5m2/người thì khu vực ngoại thành chỉ ở mức 0,05m2/người. Sự phân bố không đều không gian công viên này khiến cho một nửa dân số đô thị Hà Nội, nhất là thanh thiếu niên và người già không thể đến công viên bằng cách đi bộ nên không thể sử dụng chúng dễ dàng và thường xuyên.
Để bù lại cho sự thiếu thốn không gian công cộng chính thức hay được quy hoạch dành cho đi lại, giao tiếp và sinh hoạt xã hội, người dân đô thị xu hướng tận dụng vỉa hè, đường phố cho mọi hoạt động cá nhân và xã hội của họ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu định cư nhận định: Từ sau đổi mới đến nay, do tập trung quá nhiều cho sự chuyển đổi kinh tế nên giao thông, công nghiệp, xây dựng khu đô thị mới... được ưu tiên, còn đầu tư cho phát triển dịch vụ công cộng đô thị ở tất cả các cấp độ thành phố, quận, huyện, khu dân cư... bị bỏ ngỏ. Nó minh chứng cho sự lộn xộn diễn ra ở khắp nơi trong các thành phố.
Mạng lưới dịch vụ cũ ngày càng quá tải, xuống cấp do bùng nổ dân số cưỡng bức, do ách tắc giao thông, do sức ép xây công trình xây dựng cao tầng bằng mọi giá lên trung tâm cũ. Bộ mặt các khu trung tâm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM... đang bị tàn phá nặng nề làm cho nguy cơ phá vỡ cấu trúc đô thị hiện hữu. Tình trạng hàng rong, chợ tạm, chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng là minh chứng cho sự quá tải này.
Khi mà các đô thị Việt Nam đang phải đối đầu với những sức ép đó lên các đô thị cũ, chưa có giải pháp nào khả dĩ thì đã phải đương đầu với hiện tượng xây dựng các khu đô thị mới kiểu “đô thị - phòng ngủ” từ khắp các nơi có quỹ đất nông nghiệp. Các dịch vụ công cộng đang rệu rã ở các khu vực trung tâm nay lại càng bi đát hơn khi chưa có ai chịu đầu tư nó ở các khu đô thị mới.
Trên 700 khu đô thị mới đang được đưa vào sử dụng, không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ công cộng đời sống tối thiểu như: việc làm do dịch vụ tại chỗ, chợ, trường học, hành chính dân cư, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, bệnh viện... đã làm cho hoạt động của đô thị tại chỗ thực sự bế tắc.
Sáng ra, hầu hết dân cư tại các đô thị mới lên đường để đi làm, đến các trường học, bệnh viện, chợ búa, giao dịch... ở các trung tâm cũ và chiều tối là dòng người ngược lại, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, mua bán vỉa hè, đô thị thực sự hỗn độn. Căn bệnh đó càng trở nên trầm kha khi gần đây các đô thị ngày càng mở rộng, liên kết cả về không gian và hoạt động kinh tế để trở thành vùng đô thị như vùng đô thị Tp.HCM, vùng thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Vấn đề an sinh xã hội, dịch vụ công cộng thiết yếu, tiện ích thành phố quá thiếu thốn nếu không được giải quyết tốt sẽ trở thành các bế tắc đô thị trong tương lai.
Bà Vũ Thị Vinh, Phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam khẳng định: để đảm bảo cuộc sống cho người dân, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị mới phải hoàn chỉnh và đồng bộ, bao gồm nhà ở, các công trình chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục, công trình văn hóa xã hội, các công trình thương mại dịch vụ... đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân.
Muốn thế, theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chính phủ cần có riêng một nghị định về quy hoạch chỉnh trang đô thị cũ, trong đó quy định phải tăng diện tích các công trình công cộng, từ hệ thống hạ tầng cơ sở đến các công trình phục vụ, vui chơi, giải trí.
Đối với đất thu hồi, khi di chuyển nhà máy, kho tàng ra khỏi nội thị cần dành toàn bộ đất cho công trình công cộng; cải tạo theo hướng ưu tiên mở rộng các hè lối đi cho người đi bộ và phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện ô tô các nhân, đặc biệt đối với các khu phố cổ.
Cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các điểm dân cư nông thôn liền kề khu đô thị, khi chưa có quy hoạch chi tiết, cơ quan chức năng cần có quy định bắt buộc nhằm chuẩn bị cho các công trình công cộng trong tương lai như làm nhà cách ngõ ít nhất 3-5m, để phục vụ cho việc mở đường, làm hệ thống cấp - thoát nước....; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, nhất là trong các khu chung cư, khu ngõ ngách, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...