15:43 08/09/2023

Chật vật ở đỉnh cũ, áp lực bán cuối phiên kéo VN-Index tuột dốc

Kim Phong

Khả năng nâng đỡ điểm số của nhóm cổ phiếu blue-chips đang suy yếu khiến VN-Index gặp nhiều khó khăn trong phiên cuối tuần. Đóng cửa giảm 1,66 điểm so với tham chiếu không phải là nhiều, nhưng lại khiến chỉ số tuột xuống dưới mức đỉnh tháng 8. Nói cách khác, nguy cơ thị trường tạo 2 đỉnh đang tăng lên nếu không nhanh chóng đột phá.

VN-Index vẫn chưa thể "dứt điểm" đỉnh cao ngắn hạn hồi tháng 8 vừa qua.
VN-Index vẫn chưa thể "dứt điểm" đỉnh cao ngắn hạn hồi tháng 8 vừa qua.

Khả năng nâng đỡ điểm số của nhóm cổ phiếu blue-chips đang suy yếu khiến VN-Index gặp nhiều khó khăn trong phiên cuối tuần. Đóng cửa giảm 1,66 điểm so với tham chiếu không phải là nhiều, nhưng lại khiến chỉ số tuột xuống dưới mức đỉnh tháng 8. Nói cách khác, nguy cơ thị trường tạo 2 đỉnh đang tăng lên nếu không nhanh chóng đột phá.

VN30-Index đóng cửa giảm 0,48% với 12 mã tăng/17 mã giảm, trong đó hai trụ lớn nhất giảm mạnh là VIC giảm 2,8% và VHM giảm 2% đã gây sức ép lớn. Chỉ hai cổ phiếu này đã lấy đi khoảng 2,8 điểm khỏi VN-Index.

Ngoài ra loạt blue-chips khác giảm sâu là VRE giảm 2,31%, STB giảm 1,52%, TPB giảm 1,27%, TCB giảm 1,12%, MBB giảm 1,04%. Điều đáng tiếc nhất là nhóm vốn hóa hàng đầu gần như không hỗ trợ gì: VCB tham chiếu, BID giảm 0,74%, GAS giảm 0,68% cùng với VIC và VHM. Nhóm tăng giá hàng đầu lại không phải các cổ phiếu có vốn hóa đáng kể và cũng chỉ có BCM tăng 2,25%, GVR tăng 1,34% là mạnh rõ rệt.

VN-Index 2 phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Lễ 2/9 đã tạo cảm hứng rất tích cực, thị trường như thể sẵn sàng bùng nổ. Tuy nhiên hai phiên cuối tuần tình thế lại trở nên giằng co, thậm chí là suy yếu khi cùng giảm điểm. Vai trò của nhóm cổ phiếu blue-chips quan trọng nhất lúc này thì không thể phát huy, thậm chí nhiều mã đã quay đầu tạo đỉnh và giảm.

Hiện tượng suy yếu ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã phần nào tác động đến tâm lý chung hôm nay. Thanh khoản tính riêng phiên chiều đã tăng gần 20% so với phiên sáng nay, nhưng giá cổ phiếu lại yếu đi. Nhóm VN30 ghi nhận 21 mã tụt giá so với phiên sáng, chỉ 6 mã tăng thêm. Một số trượt giá khá mạnh như MSN để mất tới 1,56% so với phiên sáng và đóng cửa thành giảm 0,24% so với tham chiếu. VRE giảm thêm 1,82%, nới rộng mức giảm chung lên tới 2,31%. Thậm chí như GVR còn rất mạnh, tăng 1,34% so với tham chiếu nhưng chiều nay cũng đã phải trả lại tới 1,09% so với phiên sáng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường hôm nay thất bại.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường hôm nay thất bại.

Điểm tích cực hôm nay là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ còn tốt. Độ rộng của VN-Index cuối ngày lên tới 254 mã tăng/252 mã giảm, trong đó 111 mã tăng trên 1%. Dù vậy số này hầu hết là đã tụt giá so với buổi sáng. Nhóm cổ phiếu phân bón được hỗ trợ từ sự kiện Trung Quốc giảm xuất khẩu đã tăng nóng ngay từ sáng và duy trì sức mạnh đến hết phiên. DCM, DPM, BFC, LAS, PSE, SFG, VAF kịch trần. Trong số này chỉ có DCM và DPM là thanh khoản cao, đạt tương ứng 226 tỷ đồng và 196,2 tỷ đồng.

Trong số hơn 60 cổ phiếu tăng giá vượt 2% so với tham chiếu ở sàn HoSE, có 11 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng, nổi bật như GEX, KBC, VCG, DGC, HSG, NKG… Đây là các cổ phiếu nhận được dòng tiền mua rất tốt dù giá chưa tăng tận sức. Các mã thanh khoản ít hơn loanh quanh 50 tỷ đồng cũng rất khá là SZC, AGG, FRT, NT2, ITA, TSC. Tuy vậy rất nhiều cổ phiếu trong số này thực chất vẫn có lực xả mạnh (tạo thanh khoản lớn) và giá trượt dốc trong phiên. Ví dụ KBC cũng tụt khoảng 1,39% so với giá đỉnh, DGC tụt 1,6%, HSG tụt 1,34%, SZC tụt 2,2%, ITA tụt 2,93%... Có thể thấy ngay cả trong những cổ phiếu mạnh nhất thị trường thì vẫn xuất hiện lực chốt lời lớn.

Giao dịch tích cực lúc này đang dồn vào các cổ phiếu vừa và nhỏ hơn là nhóm blue-chips. Dòng tiền lớn duy trì được độ phân hóa cũng khiến thị trường chưa phát tín hiệu tiêu cực, dù VN-Index rõ ràng là gặp khó khăn tại đỉnh cũ. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm nhẹ 6% so với hôm qua, đạt 24.638 tỷ đồng. Tính chung 3 sàn, tổng giao dịch vẫn tới 29.475 tỷ đồng, cao nhất 3 tuần.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng lớn ở VPB qua thỏa thuận, đạt 524,2 tỷ đồng ròng. Tuy nhiên ngoài VPB thì chỉ có VNM +47,2 tỷ, DGC +39,7 tỷ, PDR +36,2 tỷ và VCB +29,3 tỷ là đáng kể. Tổng vị thế ròng trên HoSE là +98,7 tỷ đồng, tức là nếu không tính thỏa thuận ở VPB, phần còn lại của thị trường là bán ròng khá mạnh. HPG, MSN, VHC, STB, POW, CTG, VRE, KBC, KDH là các cổ phiếu bị bán nhiều. Ngoài ra có chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị rút tới 214,8 tỷ đồng ròng.