16:41 05/12/2023

Chất xúc tác nào đưa giá vàng lên kỷ lục mọi thời đại?

Điệp Vũ

Nhiều chuyên gia cho rằng có cơ sở để giá vàng tiếp tục lập thêm kỷ lục trong năm 2024...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới đã lập kỷ lục mới của mọi thời đại vào ngày 4/12, trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất, đồng USD suy yếu và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn. Nhiều chuyên gia cho rằng có cơ sở để giá vàng tiếp tục lập thêm kỷ lục trong năm 2024.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay có thời điểm đạt 2.135 USD/oz. Mấy phiên gần đây, giá vàng liên tục lập kỷ lục mới, vượt xa kỷ lục cũ là mức 2.072 USD/oz thiết lập vào tháng 8/2020.

NHỮNG NHÂN TỐ ĐƯA VÀNG TĂNG GIÁ

Theo giới phân tích, chất xúc tác quan trọng nhất đưa giá vàng tăng chóng mặt là việc giới đầu tư ngày càng tin chắc rằng Fed đã kiềm chế lạm phát thành công thông qua 11 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm. Dựa vào niềm tin này, thị trường kỳ vọng Fed có thể chuyển sang cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024.

Vàng là tài sản không mang lãi suất nên một môi trường lãi suất giảm hoặc kỳ vọng lãi suất giảm đều có lợi cho giá vàng.

Ngoài ra, khi lãi suất tăng, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng, thu hút nhà đầu tư dịch chuyển vốn khỏi vàng. Ngược lại, lhi lãi suất giảm hoặc xuất hiện kỳ vọng lãi suất giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm theo, khiến sức hấp dẫn tương đối của vàng tăng lên. Phiên ngày 4/12, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm dưới mốc 4,3%, từ mức đỉnh của 16 nâm trên 5% ghi nhận hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Bên cạnh đó, vàng được định giá bằng đồng USD, nên đồng bạc xanh mất giá là yếu tố có lợi cho giá vàng. Hiện nay, kỳ vọng Fed giảm lãi suất đang gây áp lực mất giá mạnh lên USD, và giá vàng hưởng lợi. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm hơn 1,8% trong vòng 1 tháng trở lại đây.

“Kỳ vọng về sự kết thúc của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đang được phản ánh vào thị trường, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn dài giảm xuống. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho vàng với tư cách một tài sản không mang lãi suất”, nhà nghiên cứu Daria Efanova của nền tảng giao dịch Sucden Financial nhận định với hãng tin CNN.

Chiến lược gia John Reade của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nói giới đầu tư đang dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm tới, và điều đó có thể đưa giá vàng vượt qua cả kỷ lục mới được thiết lập.

Ngoài những yếu tố kể trên, giá vàng còn đang được hỗ trợ bởi một yếu tố khác: một cảm giác thiếu an toàn sâu sắc trên phạm vi toàn cầu. CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ từng nói hiện tại có thể chính là thời kỳ nguy hiểm nhất mà thế giới từng trải qua trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, đợt tăng giá này của vàng bắt đầu khi cuộc chiến tranh ở dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine bất ngờ bùng nổ vào đầu tháng 10.

Nhà đầu tư thường xem kim loại quý là một “hầm trú ẩn” vì là một tài sản hữu hình và có hạn, nên về lý thuyết sẽ giữ được giá trị. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 10%.

“Môi trường rủi ro địa chính trị có vẻ đã thay đổi”, ông Reade nhận định. “Không chỉ bởi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, không chỉ bởi chiến tranh ở Gaza, mà còn bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và những vấn đề khác nữa”.

TRIỂN VỌNG GIÁ VÀNG NĂM 2024

Một thế giới phân tán hơn cũng khiến ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi mạnh tay gom mua vàng - ông Reade nhấn mạnh. Ngoài ra, ông cho rằng các quốc gia này cũng lo ngại khi chứng kiến dự trữ ngoại hối của Nga bị phương Tây đóng băng nên tăng nắm giữ vàng - tài sản mà họ cho là an toàn hơn.

Dữ liệu của WGC cho thấy ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi đã mua ròng bình quân mỗi năm 473 tấn vàng trong thời kỳ 2010-2021. Nhưng năm nay, nhóm này đã mua ròng 1.100 tấn vàng, trong đó lượng mua ròng của 3 quý đầu năm là 800 tấn vàng. Tốc độ mua ròng vàng mạnh mẽ này “có thể tiếp tục trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ”, ông Reade nói.

Về triển vọng giá vàng trong năm 2024, giới phân tích cho rằng khả năng tăng giá là lớn.

“Kỳ vọng đồng USD giảm giá và lãi suất giảm trong năm 2024 là những động lực tăng giá chính đối với vàng”, chiến lược gia trưởng Heng Koon How của ngân hàng UOB nhận định với hãng tin CNBC. Ông Heng dự báo giá vàng có thể đạt 2.200 USD/oz trong năm tới.

Tương tự, chiến lược gia trưởng Nicky Shiels của MKS PAMP cho rằng mức độ sử dụng đòn bẩy hiện nay trên thị trường vàng ít hơn nhiều so với thời điểm năm 2011, nên giá vàng dễ dàng vượt được mốc 2.100 USD/oz và đưa mốc 2.200 USD/oz vào tầm ngắm.

Chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities dự báo giá vàng bình quân ở mức 2.100 USD/oz trong nửa sau của năm 2024, khi lực mua của các ngân hàng trung ương và việc Fed chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ giữ vai trò những chất xúc tác chủ lực.

“Chúng tôi tin rằng các yếu tố chính hỗ trợ giá vàng trong năm 2024 sẽ là việc Fed giảm lãi suất, đồng USD yếu và căng thẳng địa chính trị tăng cao”, bộ phận nghiên cứu BMI của Fitch Solutions nhận định trong một báo cáo mới đây.