14:13 19/04/2021

Châu Âu áp dụng mẫu chứng thư mới cho thuỷ sản nhập khẩu

Linh Đan

Theo thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản, từ 21/4/2021 các lô hành thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải áp dụng mẫu chứng thư mới

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản vào châu Âu cần lưu ý những thay đổi mới từ Uỷ ban châu Âu.
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản vào châu Âu cần lưu ý những thay đổi mới từ Uỷ ban châu Âu.

Đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết, ngày 14/4/2021 Cục đã có Công văn 453/QLCL-CL1 về mẫu chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào châu Âu.

Cụ thể, ngày 16/12/2020 Uỷ ban châu Âu đã ban hành Quy định số 2020/2235 liên quan tới mẫu chứng thư một số sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu vào châu Âu. Quy định này có hiệu lực từ ngày 21/4/2021 và thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 21/8/2021.

Quy định số 2020/2235 của Uỷ ban châu Âu có một số nội dung tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi đưa hàng vào châu Âu. Cụ thể:

Mẫu chứng thư cho sản phẩm thủy sản, nhuyễn thể, giáp xác sống, đùi ếch, ốc, gelatine, collagen, sản phẩm composite từ nước thứ 3 xuất khẩu vào châu Âu hiện đang được áp dụng theo Quy định số 2019/628 ngày 8/4/2019 của Uỷ ban châu Âu sẽ được chuyển đổi tham chiếu tương ứng tại Quy định số 2020/2235 kể từ ngày 21/4/2021.

Hiện Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Sản và Thủy sản đã có hướng dẫn cụ thể và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể tìm hiểm trên hệ thống thông tin của Cục.

Ngoài ra, Uỷ ban châu Âu còn đưa ra một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm composite, do đó để tránh các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định nêu trên trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường châu Âu.

Đặc biệt, phải nghiên cứu mẫu và hướng dẫn khai báo các nội dung trong chứng thư mới để đảm bảo thực hiện đúng, chính xác khi đăng ký thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu sau ngày 21/4/2021.

Các doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ nhà nhập khẩu để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu.

Theo Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2021 của Việt Nam đạt khoảng 640 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,64 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng với thị trường châu Âu, xuất khẩu mặt hành tôm 3 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường châu Âu đang hồi phục, nguyên nhân một phần nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng, hiện dịch Covid -19 vẫn nghiêm trọng ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có châu Âu nên nhu cầu một số sản phẩm thủy sản chủ lực bị giảm sút.

Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các dòng sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như các sản phẩm thủy sản thuộc phân khúc hàng khô, đồ hộp, chả cá, surimi...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm 2021 sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất là tăng 15%, đạt 4,4 tỉ USD, cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỉ USD và xuất khẩu các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng 6%, đạt 3,4 tỉ USD.