15:31 19/04/2024

"Cháy" vé tàu xe dịp lễ 30/4

Tường Bách

Dù các hãng máy bay liên tục tăng tải, song giá vé cao nên không hấp dẫn người dân. Thay vào đó, nhiều người đã lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa khiến một số chuyến tàu đi các tỉnh, thành miền Trung hiện đều kín chỗ 80 - 95%...

Ảnh: Đường sắt Việt Nam
Ảnh: Đường sắt Việt Nam

Ngay sau khi Chính phủ có quyết định cho người lao động nghỉ liên tiếp 5 ngày trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thị trường vận tải có dấu hiệu “nóng” trở lại. Tuy nhiên, với mức giá vé bay tăng cao, thay vì lựa chọn đi du lịch xa như những năm trước, nhiều gia đình đã tính đến việc chuyển sang sử dụng xe cá nhân hoặc các phương tiện đường bộ để di chuyển đến các địa điểm lân cận nhằm tiết giảm chi phí.

TÀU HỎA VÀ XE KHÁCH "LÊN NGÔI"

Ghi nhận tại thời điểm 10 ngày trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, người dân, du khách không thể tìm mua chỗ đẹp trên các tuyến tàu du lịch. Cụ thể, trên trang bán vé của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội, TP.HCM đi các điểm du lịch miền Trung như Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế vào ngày 27/4, tức ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ, đều đã hết vé. Đặc biệt, toàn bộ số ghế trên 8 chuyến từ TP.HCM đi Nha Trang và 7 tuyến đi Tuy Hòa ngày 27 - 28/4 đã kín chỗ, kể cả ghế phụ (ghế nhựa).

Đặc biệt, đối với 2 mác tàu chất lượng cao mà ngành đường sắt vừa đưa vào khai thác gồm Hà Nội - Đà Nẵng và đoàn tàu kết nối di sản miền Trung, Huế - Đà Nẵng luôn trong tình trạng “cháy vé”. “Đối với 2 mác tàu này khách gần như không thể mua được vé vào thời điểm hiện nay. Hai mác tàu này không chỉ dịp nghỉ lễ mà từ khi đưa vào khai thác đến giờ luôn trong tình trạng hết vé sớm”, đại diện ngành đường sắt thông tin. Tương tự, vé tàu từ Phan Thiết - Phú Quý chiều đi ngày 27 - 28/4 đã được lấp đầy toàn bộ.

10 ngày trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, người dân, du khách không thể tìm mua chỗ đẹp trên các tuyến tàu du lịch.
10 ngày trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, người dân, du khách không thể tìm mua chỗ đẹp trên các tuyến tàu du lịch.

Ngoài tàu Thống Nhất chạy tuyến Bắc Nam, dịp cao điểm 30/4 và 1/5, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ chạy thêm 13 đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Hải Phòng. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn chạy thêm nhiều tàu chặng TP.HCM đi Nha Trang, Phan Thiết để phục vụ khách du lịch và hầu hết đã kín chỗ.

Tương tự, nhu cầu hành khách đi lại bằng xe khách cũng tăng cao. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, kỳ nghỉ lễ năm nay giá máy bay nội địa tăng cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, xu hướng tiết kiệm tiêu dùng. Vì vậy, nhiều hành khách sẽ lựa chọn điểm du lịch, tham quan gần hơn, di chuyển bằng phương tiện có chi phí thấp hơn như ôtô, tàu hỏa...

“Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 dự kiến lượng khách và lượng xe tập trung tăng vào các thời gian cao điểm đầu kỳ lễ, dự kiến vào chiều ngày 26 - 27/4, sau đó kể từ ngày 1/5 và sáng 02/5 hành khách đi về sẽ tăng mạnh,” ông Hùng đánh giá.

Cụ thể, tại Bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm chiều 26/4 và ngày 27/4 khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường. Lượt xe dự kiến là 900 lượt xe/ngày. Do là các tuyến có cự ly ngắn, hành khách đi lại chủ yếu vào ban ngày, lượng khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá…

Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP.HCM) dự báo hành khách đi về các tỉnh, thành dịp lễ 30/4 và 1/5/2024 tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023; tăng 120% so với ngày thường. Trong đó ngày cao điểm 27/4 (thứ bảy) hành khách xuất bến có thể đạt 61.300 khách/ngày với lượng xe xuất bến 2.100 xe. Trong đó, các tuyến hút khách chủ yếu từ TP HCM đi Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau… 

Nhu cầu hành khách đi lại bằng xe khách cũng tăng cao.
Nhu cầu hành khách đi lại bằng xe khách cũng tăng cao.

Về giá vé, để bù chiều xe chạy rỗng, các doanh nghiệp vận tải được yêu cầu không phụ thu quá 40% giá vé ngày thường. Còn Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) dự báo cao điểm là ngày 26/4 với hơn 8.000 khách. Đại diện Bến xe Miền Đông mới cho biết các tuyến tăng khách chủ yếu các tuyến đường ngắn từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM…

CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG TĂNG TẢI

Trong khi ngành đường sắt tăng thêm chuyến tàu phục vụ người dân nhưng hầu hết cũng đã hết chỗ, thì thị trường vé máy bay có phần trầm hơn. Mới đây, Vietnam Airlines thông báo sẽ bổ sung thêm hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế, tương ứng với hơn 15.000 chỗ. Hãng bay sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm từ ngày 26/4 đến 2/5. So sánh cùng kỳ năm ngoái, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%.

Cụ thể, phục vụ nhu cầu du lịch của hành khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm hè, Vietnam Airlines khai thác và mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay vào khung giờ muộn từ sau 21h hàng ngày trên các đường bay giữa Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... Hiện tại, Vietnam Airlines ghi nhận hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (27 - 28/4), chỉ số lấp đầy của nhiều đường bay đã đạt 70 - 90% như Hà Nội - Huế, Chu Lai, Quy Nhơn, Đồng Hới, Nha Trang; TP.HCM - Phú Quốc, Tuy Hòa, Đồng Hới, Đà Lạt, Vân Đồn…

Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết, trong các nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5, hãng tăng thêm 86.000 ghế, tương đương trên 450 chuyến bay. Trong số 450 chuyến bay tăng thêm này, có hơn 200 chuyến được khai thác vào khung giờ ban đêm. Tiếp đến, vào dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Vietjet tiếp tục tăng tần suất bay giữa Hà Nội và TP.HCM với Điện Biên lên 28 chuyến bay/tuần (từ 3 đến 11/5).

Giai đoạn trước ngày nghỉ lễ (ngày 26, 27, 28 và 29/4), đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là Hà Nội - Quảng Bình (99,51% ngày 27/4).
Giai đoạn trước ngày nghỉ lễ (ngày 26, 27, 28 và 29/4), đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là Hà Nội - Quảng Bình (99,51% ngày 27/4).

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính hết tuần đầu của tháng 4, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các hãng hàng không đã cung ứng trung bình mỗi ngày 100.000 - 110.000 ghế trên các đường bay nội địa, tăng khoảng 20% so với lịch bay trung bình trong tháng 3/2024.  Tỷ lệ đặt chỗ của hành khách hiện vẫn ở mức trung bình trên tất cả các đường bay nội địa, chiều từ 2 điểm đầu (Hà Nội, TP.HCM) đến các sân bay địa phương và ngược lại dao động trong khoảng 40 - 60%.

Giai đoạn trước ngày nghỉ lễ (ngày 26, 27, 28 và 29/4), đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là Hà Nội - Quảng Bình (99,51% ngày 27/4). Cùng ngày, các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao gồm TP.HCM - Tuy Hòa (82,77%), Hà Nội - Phú Quốc và Hà Nội - Huế (khoảng 80%), TP.HCM - Phú Quốc (77,23%). Các chặng bay khác có tỷ lệ đặt chỗ ở mức trung bình trở xuống.

Đối với chiều bay từ sân bay địa phương, tỷ lệ đặt chỗ vẫn ở mức thấp. Riêng đường bay Điện Biên – TP.HCM/Hà Nội tỷ lệ đặt chỗ cao. Cụ thể, đường bay Điện Biên – TP.HCM ghi nhận ngày 27/4 có tỷ lệ đặt chỗ là 99,44%, đường bay Điện Biên - Hà Nội ngày 28/4 có tỷ lệ 79,89%. Giai đoạn trong và sau nghỉ lễ, các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi các sân bay địa phương hiện có tỷ lệ đặt chỗ đa phần dao động ở mức 20 - 40%.