09:52 20/02/2023

Chi cả tỷ USD “mua” giấc ngủ ngon

Hoài Phương

Các nhà phân tích của PS Market Research cho biết, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu hiện trị giá 4.200 tỷ USD, khi người tiêu dùng trên toàn thế giới đầu tư vào các sản phẩm tăng cường sức khỏe, thực phẩm chất lượng cao cho đến hỗ trợ giấc ngủ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo một nghiên cứu xuất bản trên Journal of Clinical Sleep Medicine (Tạp chí Y học giấc ngủ lâm sàng) năm 2022, 40% trong số 2.500 người trưởng thành cho biết chất lượng giấc ngủ của họ sụt giảm hẳn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện hơn một phần ba người Mỹ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm. The Economist ước tính, thiếu ngủ khiến nền kinh tế khổng lồ này tiêu tốn đến 400 tỷ USD/năm. Người Nhật cũng thiếu ngủ nghiêm trọng, hãng Rand Corporation ước tính thiệt hại kinh tế do thiếu ngủ tại Nhật Bản vào khoảng 15.000 tỷ Yen mỗi năm, tức khoảng 117 tỷ USD.

CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ GIẤC NGỦ BÙNG NỔ

Tình trạng mất ngủ trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19, cùng với việc ngày càng có nhiều công nghệ mới tốt hơn đã khiến ngành công nghệ hỗ trợ giấc ngủ (sleep tech) bùng nổ. Theo CNBC, các sản phẩm/dịch vụ giúp chữa chứng mất ngủ là một ngành kinh doanh cực lớn, nhất là tại Mỹ. Các chuyên gia dự đoán rằng thị trường này ở xứ cờ hoa sẽ đạt 5,1 tỷ USD trong năm nay và có thể tăng lên 6,1 tỷ USD vào năm 2028. Con số này đã bao gồm tiền thuốc, thiết bị y tế và nhiều loại trị liệu khác nhau.

Thị trường “sleep tech” hiện có thể được chia thành bốn loại chính, bao gồm, phương pháp điều trị y tế, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm giấc ngủ nói chung và sản phẩm kỹ thuật số. Dược phẩm như thuốc ngủ được xếp vào danh mục điều trị y tế, trong khi đồ uống và thực phẩm chức năng mang lại giấc ngủ ngon là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nhưng các sản phẩm công nghệ số được nhắc đến nhiều hơn cả khi ngày nay các cảm biến siêu nhỏ được đưa vào các thiết bị đeo tay để theo dõi các thông số của người đang ngủ.

Những hãng công nghệ như Apple, Google, Samsung và Huawei đều đã cung cấp các thiết bị đeo tay có công nghệ chăm sóc giấc ngủ. Trong khi đó, các startup công nghệ còn cung cấp các sản phẩm táo bạo hơn. Hãng Oura Health của Phần Lan đang bán một chiếc nhẫn titan trị giá 300 USD được tích hợp máy theo dõi nhịp tim, oxy và các hoạt động khác. Còn Hãng Kokoon của Anh sản xuất tai nghe không dây có bộ phận phát âm thanh thư giãn. Tai nghe còn có các bộ cảm biến phân tích về các giai đoạn trong giấc ngủ của người đeo, đo nồng độ oxy trong máu (SpO2)...

Chi cả tỷ USD “mua” giấc ngủ ngon - Ảnh 1

Hãng Eight Sleep của Mỹ còn bán một chiếc nệm với giá 2.000 USD, có thể điều chỉnh nhiệt độ lên xuống tùy theo thân nhiệt trong đêm của người ngủ. Hãng Brain Sleep ở Tokyo thì bán chiếc gối có độ thoáng khí cao, sản phẩm giúp tản nhiệt cơ thể ngay sau khi người dùng chợp mắt để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Không chịu thua kém, hãng điều hòa Daikin Industries tìm cách “ru ngủ” dễ chịu hơn. Máy này sẽ theo dõi vị trí khuôn mặt của người ngủ bằng cách sử dụng cảm biến nhiệt trên trần nhà và thổi một luồng không khí vào mặt người ngủ, tạo cảm giác được “vuốt ve nhẹ nhàng”.

Tuy nhiên, không phải mọi sản phẩm công nghệ đều hoàn hảo ngay từ đầu, do đó nhiều người tiêu dùng cảm thấy nhàm chán với các thiết bị đeo và và thất vọng khi sản phẩm không được cải tiến. Do đó, tại Trung Quốc, các nghề nghiệp mới phục vụ nhu cầu ngủ ngon đã xuất hiện, ví dụ như ru ngủ khách hàng online, với giá khoảng 10 Nhân dân tệ/giờ. Những người được trả tiền thường kể những câu chuyện thú vị hoặc trò chuyện với khách hàng. Ngoài ra, các “salon ru ngủ” dành cho người mất ngủ cũng ngày càng trở nên phổ biến. Đây là nơi cung cấp không gian yên tĩnh, dạy mọi người cách thư giãn và chìm vào giấc ngủ, theo China Daily.

Thậm chí, có một dịch vụ du lịch vừa mới ra đời nhưng đang phát triển rất mạnh mẽ – du lịch ngủ (sleep tourism). Ngày càng có nhiều chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng chào mời các chuyến lưu trú nhấn mạnh đến giấc ngủ và mối quan tâm của khách hàng đối với dịch vụ này cũng đang tăng vọt. Chẳng hạn, khách sạn Park Hyatt New York khai trương Bryte Restorative Sleep Suite, là một dãy phòng lớn rộng chừng 84 mét vuông, có lắp đặt nhiều tiện ích ru ngủ. Tập đoàn Rosewood Hotels & Resorts cũng vừa ra mắt một loạt khu nghỉ dưỡng với tên gọi Alchemy of Sleep, được thiết kế để khách có giấc ngủ ngon...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 8-2023 phát hành ngày 20-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chi cả tỷ USD “mua” giấc ngủ ngon - Ảnh 2