Chỉ giảm hơn 1 điểm, cổ phiếu dầu khí, thép giúp chứng khoán Việt mạnh nhất thế giới
Dồn dập những thông tin bất lợi dịp cuối tuần qua đã khiến giá dầu và giá hàng hóa thế giới tăng bùng nổ ngay khi mở đầu tuần mới. Không có gì bất ngờ khi cổ phiếu dầu khí, phân bón, thép... tiếp tục có một ngày đột biến nữa. VN-Index chốt phiên sáng chỉ giảm 1,33 điểm hay 0,09%, là thị trường mạnh nhất phiên châu Á...
Dồn dập những thông tin bất lợi dịp cuối tuần qua đã khiến giá dầu và giá hàng hóa thế giới tăng bùng nổ ngay khi mở đầu tuần mới. Không có gì bất ngờ khi cổ phiếu dầu khí, phân bón, thép... tiếp tục có một ngày đột biến nữa. VN-Index chốt phiên sáng chỉ giảm 1,33 điểm hay 0,09%, là thị trường mạnh nhất phiên châu Á.
Chứng khoán thế giới đỏ rực trước rủi ro tăng vọt với nguy cơ các nước phương Tây cấm vận dầu khí Nga. Giá dầu ngay lúc mở cửa đã lên gần 140 USD/thùng và đến hết phiên sáng (giờ Việt Nam), dầu WTI vẫn tăng 7,85% đạt gần 125 USD/thùng, dầu Brent tăng 10%, đạt 130 USD/thùng. Chỉ số Nikkei giảm 3,32%, Thượng Hải giảm 1,48%, HongKong giảm 3,37%, Kospi giảm 2,04%... Các chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ giảm trên 1%, châu Âu giảm 3-4%...
Thị trường trong nước cũng giảm khá mạnh ngay khi mở cửa, một phần do ảnh hưởng của thế giới, một phần do áp lực T+3 của khối lượng hàng bắt đáy về. VN-Index chạm đáy lúc 9h20 xuống 1493,87 điểm, giảm 0,76% so với tham chiếu. VN30-Index giảm 1,28%.
Sự chênh lệch khá rõ giữa hai chỉ số này cho thấy nhóm blue-chips vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên VN-Index hưởng lợi đặc biệt từ các cổ phiếu dầu khí như GAS, PLX và cổ phiếu thép như HPG, đều là các mã vốn hóa lớn trong chỉ số này, nhưng lại ít tác động hơn trong VN30-Index.
Cổ phiếu dầu khí dĩ nhiên là tâm điểm của phiên giao dịch khi giá dầu có một phiên mở tuần tăng khủng khiếp. GAS chốt phiên sáng tăng 5,93%, PLX tăng 3,44%. Nhóm nhỏ hơn như PTV, PVO, PVB, PVC, PSH, PVD đều kịch trần. PVS, PCG, OIL tăng hơn 8%...
Nhóm phân bón hóa chất cũng tăng theo giá dầu: DCM, DPM, BFC, PSW, PSE, PMB, LAS cũng kịch trần. Nhóm thép có HPG tăng 4,02%, NKG tăng 5,23%, HSG tăng 4,9%, POM tăng 3,59%, VGS tăng 4,76%, TLH tăng 3,6%...
Dĩ nhiên điểm bất lợi ở nhóm tăng mạnh nói trên là không thuộc hàng vốn hóa đủ làm trụ, trừ GAS, HPG và phần nào là PLX. Dù vậy hai mã GAS và HPG cũng đủ mạnh để cân bằng với khá nhiều cổ phiếu phía giảm, nhất là trong nhóm ngân hàng. Chỉ có 4/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá sáng nay là EIB tăng 4,76%, KLB tăng 1,06%, NVB tăng 0,33% và VPB tăng 0,13%. Có 13 mã ngân hàng đang giảm hơn 1%, trong đó có cả blue-chips như TPB, ACB, HDB, BID, CTG, MBB, TCB.
VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,54% và chỉ có 7 mã tăng/23 mã giảm. Điều này càng cho thấy VN-Index đang hưởng lợi từ trụ là chính. Dù vậy độ rộng của VN-Index cũng không kém, với 193 mã tăng/258 mã giảm, trong đó khoảng 110 mã giảm trên 1%. Ngược lại, phía tăng thậm chí có 120 mã tăng trên 1%, với 18 mã kịch trần.
Mặc dù VN-Index vẫn đỏ, nhưng trong khi toàn thế giới “đỏ đậm”, mức giảm chỉ 1,33 điểm hay 0,09% là rất nhẹ. Mặt khác thị trường vẫn có nhiều “địa chỉ” cho dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí là tăng trần khá nhiều. Dòng tiền hút vào nhóm cổ phiếu thép vẫn ấn tượng nhất, với HPG dẫn đầu các sàn khi giao dịch tới trên 1.400 tỷ đồng. NKG, HSG lọt Top 5 thanh khoản với 503 tỷ và 467 tỷ đồng. Nhóm dầu khí, hóa chất cũng có PVD, PVS, DPM lọt Top 15.
Dòng tiền dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản là yếu tố quan trọng duy trì thanh khoản chung ở mức cao, thay vì nhà đầu tư “tháo chạy” rút tiền mặt. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng vẫn tăng nhẹ 1% so với sáng phiên trước, đạt 20.209 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng khoảng 623,4 tỷ đồng trên HoSE, trong đó chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng 204,9 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán nhiều là NLG -93,7 tỷ, VHM -71 tỷ, AAA -65,6 tỷ, HDB -58,7 tỷ, TPB -51,4 tỷ, VRE -47,6 tỷ, DPM -43 tỷ, VNM -42,3 tỷ, CTG -32,5 tỷ. Phía mua chỉ có HPG, SBT, PNJ, VPB, GEX là trên 20 tỷ đồng ròng.