14:14 03/05/2018

Chi tiêu quân sự của Nga lần đầu tiên giảm trong 20 năm

An Huy

Nền kinh tế suy yếu được cho là nguyên nhân khiến chi tiêu quân sự của Nga giảm mạnh trong năm 2017

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nền kinh tế suy yếu được cho là nguyên nhân khiến chi tiêu quân sự của Nga giảm mạnh trong năm 2017 - CNN đưa tin.

Hãng tin này dẫn báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Moscow chi 3,9 nghìn tỷ Rúp, tương đương 61 tỷ USD, cho quân sự trong năm ngoái, giảm 17% so với năm 2016 và là năm giảm đầu tiên kể từ năm 1998.

Cú giảm này đi ngược lại xu hướng trong những năm gần đây, khi Nga đẩy mạnh đầu tư cho quốc phòng theo kế hoạch nâng cấp quân đội đến năm 2025.

Nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman thuộc SIPRI nói rằng hiện đại hóa quân đội vẫn là một ưu tiên của Chính phủ Nga, nhưng các điều kiện kinh tế khó khăn hơn khiến Moscow khó duy trì được mức chi tiêu quân sự như cũ.

Mấy năm gần đây, kinh tế Nga chịu tác động kép từ giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây vì Moscow bị cho có vai trò trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Sau một thời gian suy thoái vì hai luồng sức ép này, kinh tế Nga gần đây đã hồi phục nhờ giá dầu tăng trở lại.

Cho tới trước năm ngoái, Nga vẫn tránh cắt giảm chi tiêu quân sự. "Quyết định giảm chi tiêu quân sự chỉ diễn ra sau khi chi tiêu đã được cắt giảm ở hầu hết các lĩnh vực khác", ông Wezeman nhận xét.

Tính cả yếu tố lạm phát và biến động tỷ giá, thì chi tiêu quân sự của Nga giảm 20% trong năm 2017. Mức chi này tương đương 4,3% GDP, giảm so với tỷ lệ 5,5% trong năm 2016 và 4,9% trong năm 2015.

Tuy vậy, điện Kremlin gần đây vẫn đưa ra những tuyên bố đầy tự tin về quân sự. Hồi tháng 3, trước khi tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, Tổng thống Vladimir Putin nói Nga đã phát triển được loại máy bay không người lái mới và những hệ thống vũ khí hạt nhân với tầm bắn không giới hạn. Ông Putin nói vũ khí mới này của Nga khiến hệ thống phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên "hoàn toàn vô dụng".

Ông Wezeman cho rằng nhiều dự án quân sự khác của Nga có thể đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

"Họ không có đủ ngân sách", ông nói. "Nói về việc sở hữu một máy bay hay xe tăng mới là một chuyện, nhưng việc sản xuất và vận hành chúng tiêu tốn nhiều tiền".

Cũng trong năm ngoái, nhiều nước láng giềng của Nga đã tăng mạnh chi tiêu quân sự. Dữ liệu của SIPRI cho thấy chi tiêu quân sự của các nước Trung Âu đã tăng 12%.

Saudi Arabia đã vượt Nga để trở thành nước chi tiêu cho quân sự nhiều thứ ba thế giới trong năm 2017, theo SIPRI. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất và thứ hai.