Chiếc cúp vô địch giúp gì cho Argentina giữa khủng hoảng kinh tế?
World Cup 2022 đã khép lại với chiến thắng thuộc về đội Argentina. Chiến thắng này đánh dấu những kỷ lục mới cho sự nghiệp của siêu sao Lionel Messi, cùng một hy vọng mới cho đất nước đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế…
Hơn 17 triệu người dân ở thủ đô Buenos Aires của Argentina đã đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng nghẹt thở của đội tuyển Argentina trước đội tuyển Pháp sau loạt đá luân lưu. Chiến thắng này khiến một số người hâm mộ ở Argentina nhớ lại cảm giác năm 1986, lần gần nhất mà nước này đạt cup vô địch World Cup dưới thời Diego Maradona. "Chiến thắng tại World Cup, ít nhất trong một khoảng khắc nào đó, dường như đã giúp xóa bỏ cảm giác thất vọng và thất bại đã đeo bám đất nước Argentina từ lâu,” một người hâm mộ cho biết.
Theo một nghiên cứu gần đây của Marco Mello tại Đại học Surrey (Anh), quốc gia vô địch World Cup thường có xu hướng được hưởng thêm 0,25 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong hai quý sau khi giải đấu kết thúc. Một thống kê được thực hiện trong 30 năm qua với các đội vô địch - Brazil (1994, 2002), Pháp (1998, 2018), Ý (2006), Tây Ban Nha (2010) và Đức (2014) - càng khẳng định điều này.
Ví dụ, năm 1994, Brazil đạt tốc độ tăng trưởng 5,9%, cao hơn nhiều so với năm 1993 và 1995. Điều tương tự cũng lặp lại với Brazil vào năm 2002 khi tốc độ tăng trưởng của đất nước là 3,1%, bỏ xa mức tăng trưởng 1,4 và 1,1% được ghi nhận lần lượt vào các năm 2001 và 2003.
Cũng như vậy, năm 1998, khi Pháp lần đầu tiên giành chức vô địch World Cup trong giải đấu mà chính họ đăng cai, nền kinh tế này đã tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với các năm 1997 và 1999. Italy vô địch năm 2006 và nền kinh tế của nước này tăng trưởng 1,8%, vượt qua mức tăng 0,8% của năm 2005 và 1,5% của năm 2007.
Nền kinh tế Đức cũng gặt hái được thành tựu tương tự sau khi giành chức vô địch năm 2014. Cụ thể, họ tăng trưởng 2,2%, bỏ xa mức tăng 0,4% của năm 2013 và 1,5% của năm 2015. Ngay cả Tây Ban Nha, đội vô địch năm 2010 – khi mà kinh tế toàn cầu đang suy thoái - dường như cũng được hưởng lợi. Số liệu cho thấy nền kinh tế của họ tăng trưởng 0,2% trong năm đó, cao hơn 4 điểm phần trăm so với năm trước và nhiều hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2011.
Ông Mello cho rằng sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc gia tăng xuất khẩu vì nước vô địch World Cup sẽ có được nhận diện trên toàn cầu tốt hơn. Ví dụ, nghiên cứu của ông cho thấy doanh số bán hàng Brazil ở nước ngoài đã tăng vọt sau khi nước này vô địch World Cup 2002.
Theo Bloomberg, các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra thành công tại World Cup có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Theo một nghiên cứu năm 2014, chỉ cần lọt vào vòng tứ kết đã có thể mang lại sự gia tăng xuất khẩu và đa dạng hoá thương mại. "Bằng chứng đã củng cố suy đoán việc giành chiến thắng ở một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh có nhiều khả năng tác động đến chu kỳ kinh doanh", ông Marco Mello cho hay.
Các nhà nghiên cứu quản lý khách sạn và du lịch tại Đại học Kinh doanh Pamplin, Virginia Tech cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa hiệu suất thể thao và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt khi tập trung phân tích các mùa World Cup. Giáo sư Juan L. Nicolau, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "World Cup có thể thúc đẩy ngành du lịch của quốc gia chiến thắng. Ít nhất, điều đó đã xảy ra với Tây Ban Nha vào năm 2010. Bàn thắng của Andrés Iniesta ở phút 116 tại trận chung kết đã định giá lại thương hiệu quốc gia của Tây Ban Nha".
Ônhg Nicolau cho biết việc vô địch World Cup không có nghĩa là sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn đến quốc gia chiến thắng, nhưng nó củng cố nhận thức về đất nước này như một điểm đến khá hấp dẫn. "Quan trọng hơn, quốc gia đó sẽ được đưa vào danh sách cân nhắc của khách du lịch, điều này ít nhất chắc chắn làm tăng khả năng mọi người ghé thăm khi có cơ hội".
Bất chấp nhiều năm kinh tế ngập chìm trong suy thoái, cùng với những bê bối chính trị và nạn tham nhũng, đất nước Nam Mỹ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ nguồn tài nguyên hóa thạch như khí đốt, với trữ lượng khí đá phiến lớn thứ 2 thế giới, và lithium - thành phần chính trong pin xe điện và đồ điện tử. Các nhà lãnh đạo phương Tây như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang bày tỏ mối quan tâm muốn trợ giúp Argentina khai thác các nguồn tài nguyên đó.
Ngoài ra, năm tới có thể chứng kiến thỏa thuận thương mại được ký kết giữa EU và khối Mercosur (gồm Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay) vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Thỏa thuận này sẽ phá bỏ các rào cản bảo hộ ở Argentina và các nước láng giềng, mở ra những cơ hội mới cho đầu tư và tăng trưởng. Theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Argentina (INDEC) GDP trong quý III vừa qua của nước này tăng 1,7% so với quý trước. So với một năm trước, nền kinh tế của nhà vô địch World Cup 2022 đã tăng 5,9% trong năm nay.