Chiêu lừa xuất khẩu lao động: Xem công ty qua định vị Google
Ngày 19/9, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Abedin Ahmed (SN 1980, quốc tịch Bangladesh) 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Quá trình xét xử làm rõ, khoảng giữa năm 2018, Ahmed nhập cảnh vào Việt Nam và tạm trú tại căn hộ ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Quá trình sinh sống tại đây, Ahmed nảy sinh quan hệ tình cảm với chị Nguyễn Thị Hồng N. (SN 1995, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) và đến tháng 6/2019, hai người đăng ký kết hôn.
Đến cuối năm 2018, chị N. cùng anh Chu Đức C. (SN 1982, anh họ chị N.) ra sân bay Nội Bài để đón Ahmed về nhà chơi.
Trên đường về, Ahmed có hỏi về công việc và thu nhập của anh C.. Quá trình giao tiếp, chị N. làm phiên dịch cho 2 người. Ahmed nói với anh C. là gia đình mình có công ty sản xuất, đóng gói thực phẩm ở Canada tên là Akhavanfood Sherbrooke W. Montresal. Công ty đang cần tìm lao động người Việt Nam sang làm việc.
Ngày hôm sau, chị N. và Ahmed sang nhà anh C. để trao đổi. Ahmed nói phí làm thủ tục sang Canada lao động là 2.500 USD gồm phí hồ sơ, phí nhập cảnh, vé máy bay. Người lao động nhận lương tháng khoảng 100 triệu đồng, có chỗ ăn ở tại nhà xưởng. Ahmed trưng cho anh C. xem ảnh đi chơi của những người lao động Việt Nam đang làm việc tại công ty và định vị của công ty trên bản đồ Google.
Anh C. chưa nhận lời ngay mà gọi điện thoại cho anh họ để xin ý kiến. Sau khi hỏi rõ thủ tục, anh C. và anh Nguyễn Anh T. (SN 1975) đã đồng ý sang Canada để làm việc và mỗi người đóng hơn 5,2 triệu đồng để mua hồ sơ.
Thấy “kèo thơm”, anh C. rủ thêm em ruột mình. Còn anh T. rủ thêm vợ chồng em trai và người thân. Chị N. cũng rủ thêm người thân.
Trong thời gian chờ lịch bay, Ahmed yêu cầu mọi người đóng thêm tiền như tiền lý lịch tư pháp (340 USD/người), tiền chứng minh tài chính (700 USD/người), phí đăng ký nhân thân cho vợ/chồng (210 USD/người). Người đàn ông ngoại quốc cũng hứa hẹn, nếu không bay được sang Canada thì sẽ hoàn trả mọi người số tiền đã đóng.
Do tin tưởng nên từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019, có 10 người đưa cho Ahmed 36.490 USD, tương đương hơn 841 triệu đồng cùng hồ sơ.
Cầm tiền của mọi người song nhiều lần Ahmed báo hủy lịch bay, lấy lý do chưa hoàn thành thủ tục. Mọi người nghi ngờ bị lừa đảo nên buộc anh ta hủy hồ sơ và trả lại tiền. Ahmed hẹn đến ngày 6/11/2019 sẽ trả lại tiền nhưng đến kỳ hạn, bị cáo không thực hiện như cam kết.
Nhận thấy Ahmed có hành vi lừa đảo nên chị N. làm đơn tố cáo người đàn ông này đến cơ quan công an. Ngày 27/10/2021, Ahmed đến Công an TP Hà Nội đầu thú.
Xác minh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xác định, Ahmed có 4 lần nhập cảnh vào Việt Nam.
Tại cơ quan điều tra, Ahmed khai nhận, sau khi nhận tiền, anh ta đều chuyển lại cho BanJir Banny (quốc tịch Canada) để làm thủ tục. Việc chuyển tiền được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau tại Hà Nội và có đối tượng tên Việt (không rõ nhân thân) chứng kiến. Lần theo lời khai trên, công an xác định không có đối tượng trên nhập cảnh vào Việt Nam nên lời khai không có cơ sở.
Còn xác minh tại Công ty Akhavanfood thì công ty được mở tại Quebec, Canada và không có nhu cầu tuyển người lao động từ Việt Nam.
Đặc biệt, trong hệ thống thông tin của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cũng không thể hiện kết quả danh sách các công dân trên xin cấp visa.
Cơ quan công an xác định, chị N. là người trực tiếp đứng ra thu tiền của các bị hại, ký nhận vào các giấy giao nhận tiền và cam kết, giấy hẹn trả tiền. Tuy nhiên, chị N. đều đưa lại tiền cho Ahmed, không được hưởng lợi từ việc thu tiền, không biết Ahmed làm thủ tục, hồ sơ. Công an xác định chị N. không phải là đồng phạm với Ahmed.