Chiêu mộ và giữ chân lao động Gen Z
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, thế hệ Gen Z sẽ đóng góp 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Nhóm lao động trẻ này sẽ dần thay thế lực lượng lao động hiện tại và tạo ra những thay đổi lớn...
Lao động trẻ sinh từ năm 1997 - 2004 được đánh giá là một thế hệ sáng tạo, nhanh nhạy và am hiểu công nghệ. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với không ít định kiến như: thiếu kiên nhẫn, thiếu kỷ luật, quá đề cao cái tôi... TS. tâm lý Hoàng Ngân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo phát triển nguồn nhân lực và Hướng nghiệp Firewway nhận định: “Lao động thế hệ Z đề cao công việc có ý nghĩa và tương thích với giá trị cá nhân. Họ đánh giá cao cơ hội học hỏi, mong đợi môi trường làm việc linh hoạt và tích hợp công nghệ. Đây vừa là cơ hội mà cũng là thách thức cho các doanh nghiệp”.
TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN, TÌM GIẢI PHÁP GIỮ CHÂN
Ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impulse, cho biết khó khăn lắm công ty mới tuyển dụng và đào tạo được lao động trẻ có kỹ năng, tay nghề nhưng chỉ vài tháng họ đã nhảy việc. Nhiều lao động trẻ hiện nay vào làm việc không muốn gắn bó với doanh nghiệp. “Công ty đăng tuyển vị trí trưởng xưởng cơ khí và trưởng kho suốt nhiều tháng liền không tìm được người. Khi tuyển được người trẻ phù hợp, đào tạo thêm để sau này làm quản lý nhưng vào làm chưa nóng chỗ họ đã lại chuyển việc”, ông Khoa cho biết.
Tương tự, bà Trần Thị Ngọc Báu, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Wipro Consumer Care Việt Nam, cho rằng do đặc tính thế hệ nên Gen Z thường gặp trở ngại khi phải làm việc trong môi trường doanh nghiệp truyền thống, có quy trình và tính hệ thống hóa cao. Nhân sự trẻ có xu hướng kỳ vọng môi trường làm việc linh hoạt, tự do thể hiện ý tưởng và giá trị bản thân thông qua việc đóng góp vào các dự án. Điều này dễ gây ra sự bất đồng và hiểu lầm trong cách tiếp cận và làm việc.
Nói về kinh nghiệm tuyển dụng và giữ chân lao động trẻ, bà Nguyễn Thị Thục Vy, Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Peoplelink Việt Nam, cho biết hiện công ty có hơn 70 lao động, trong đó 90% là người trẻ. “Ngoài chính sách ưu đãi, lương, thưởng minh bạch, công ty còn tạo cơ hội cho người trẻ có năng lực lên làm vị trí quản lý sau 3 - 5 năm làm việc”, bà Vy nói. “Bên cạnh đó, mỗi năm, doanh nghiệp đều tổ chức kỳ thi nâng bậc cho tất cả người lao động. Nhân viên ở các phòng - ban muốn thay đổi công việc hoặc lên vị trí cao hơn có thể tham gia kỳ thi đánh giá này”.
Cũng nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa các thế hệ người lao động, Công ty Schneider Electric Việt Nam đã có chương trình Cố vấn ngược (Reverse Mentoring), có nghĩa Gen Z là người cố vấn (Mentor) cho những lãnh đạo cấp cao của công ty về các chủ đề giới trẻ đang quan tâm và chiếm ưu thế. Sau 1,5 năm triển khai, trong khi các bạn trẻ tự tin hơn, mạnh dạn trình bày ý kiến tại các cuộc họp thì các anh, chị thế hệ trước đã bắt đầu hiểu hơn ngôn ngữ của Gen Z và linh hoạt hơn trong giao tiếp để rút ngắn khoảng cách thế hệ.
Còn tại Công ty TNHH Wipro Consumer Care Việt Nam, ngoài tạo môi trường làm việc linh hoạt, tạo cơ hội nghề nghiệp phát triển nghề nghiệp cho các bạn trẻ, doanh nghiệp còn có hoạt động Happy Sharing hàng tháng. Người lao động sẽ chia sẻ những câu chuyện, những khó khăn trong công việc, từ đó thấu hiểu và hỗ trợ công việc với nhau. Theo bà Trần Thị Ngọc Báu, Giám đốc nhân sự Wipro, những nỗ lực tương tự của doanh nghiệp không chỉ giúp cải thiện năng lực làm việc của nhân viên mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực và động viên sự phát triển cá nhân...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2024 phát hành ngày 03/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam