10:55 31/05/2024

Kiến nghị để lao động một số lĩnh vực đặc thù được hưởng lương hưu tối đa

Phúc Minh

Do tính chất công việc, lao động ở một số lĩnh vực đặc thù trong quân đội phải nghỉ hưu sớm, do vậy không đạt đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa 75%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để hưởng mức lương hưu tối đa 75%, lao động nữ cần đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội, nam đủ 35 năm. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực đặc thù của quân đội, lao động phải nghỉ hưu sớm và không đủ số năm đóng để hưởng mức tối đa.

GIỚI HẠN ĐỘ TUỔI DO ĐẶC THÙ CÔNG VIỆC

Vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị có chính sách đặc thù cho các nhóm đối tượng này.

Thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Hoàng Hữu Chiến, Đoàn tỉnh An Giang, cho biết qua thực tiễn thực hiện bảo hiểm xã hội, một số cán bộ công tác trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù của quân đội khi nghỉ hưu thì chưa được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.

Một số lĩnh vực, ngành như phi công, thủy thủ tàu ngầm, lực lượng radar, kỹ thuật hàng không, hóa học và một số lực lượng trọng yếu khác, nhân lực hiện nay rất khó tuyển dụng do yêu cầu đòi hỏi cao, toàn diện về mọi mặt, khắt khe về sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ, chi phí đào tạo công phu, tốn kém.

Theo đại biểu, do yêu cầu công việc nên tuổi đời công tác có giới hạn nhất định. Hiện nay, một số ngành yêu cầu tuổi đời không quá 40, 45 hoặc 48 tuổi. Như vậy, trừ thời gian đào tạo, thời gian công tác ở một số ngành chỉ đến 12, 15 hoặc 18 năm là phải chuyển công tác, hoặc nghỉ hưu.

Mặt khác, môi trường công tác trong các lĩnh vực này chịu tác động ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe, như các loại sóng điện tử, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, hóa chất độc hại, bụi công nghiệp.

“Do tính chất công việc căng thẳng, chịu áp lực lớn, có nguy cơ rủi ro và mất an toàn cao. Nhiều trường hợp hy sinh, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ. Những trường hợp này nếu không bố trí sử dụng được công việc khác, không thể chuyển ngành được, và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì nghỉ hưu. Như vậy, sẽ không được hưởng lương hưu tối đa 75% vì không đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nói.

Chưa kể, các đối tượng trên khi tuổi cao sức yếu thường mắc một số bệnh nền mãn tính, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do môi trường hoạt động công tác trước đó.

Đại biểu cho rằng từ thực tiễn, khi nghỉ hưu, cán bộ công tác trong một số lĩnh vực như trên sẽ rất thiệt thòi, có tác động ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của họ, gia đình và chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, không thu hút và khuyến khích được nguồn nhân lực chất lượng cao vào quân đội công tác.

Vì vậy, ngoài các chính sách bảo hiểm xã hội chung, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định cách tính mức lương hưu hàng tháng tại dự thảo luật, để các đối tượng trên được hưởng mức lương hưu tối đa.

“Phương án là từ năm thứ 21 đóng bảo hiểm xã hội đối với nam và từ năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3% đến tối đa 75%, hoặc nội dung này giao Chính phủ quy định chi tiết đối với một số ngành, lĩnh vực hoạt động đặc thù, trong đó có hoạt động của quân đội và công an”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến góp ý.

KHÓ ĐÓNG ĐỦ SỐ NĂM BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỂ HƯỞNG LƯƠNG HƯU TỐI ĐA

Cũng quan tâm đến chế độ hưu trí đối với lực lượng quân đội, đại biểu Chau Chắc, đoàn tỉnh An Giang, cho biết qua việc tổng kết Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam ở cấp cơ sở - cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiều ý kiến về chế độ hưu trí liên quan đến quân nhân.

Đại biểu Chau Chắc, đoàn tỉnh An Giang. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Chau Chắc, đoàn tỉnh An Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Đó là từ năm 2022 trở đi, lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội đủ 35 năm, nữ đủ 30 năm mới được hưởng lương hưu với mức tối đa là 75%. 

Đại biểu Chau Chắc cho rằng xuất phát từ tính chất đặc thù của hoạt động quân sự, thời gian sử dụng ngắn, tuyển dụng khó, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt…, các đối tượng phục vụ trong quân đội cần đáp ứng yêu cầu cao cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn yêu cầu khắt khe về tuổi đời, sức khỏe. Một số lĩnh vực đặc thù chỉ sử dụng lao động không quá 50 tuổi.

Mặt khác, theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và một số luật có liên quan, hạn tuổi phục vụ cao nhất của quân nhân có quy định nhất định.

Do đó, khi hết tuổi phục vụ, nếu một số nhóm đối tượng không bố trí được công việc thì phải nghỉ hưu. Như vậy, sẽ có mức hưởng lương hưu thấp khi nghỉ hưu, không đạt mức tối đa 75% do thời gian đóng bảo hiểm không đủ.

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với đặc thù quân sự, đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung quy định nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 25 năm, nữ đủ 15 năm được hưởng mức lương hưu tối thiểu 45%. Từ năm thứ 21 trở đi đối với nam, và năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3%, đến mức tối đa là 75%.