11:39 24/05/2009

Chính phủ báo cáo Quốc hội về các dự án bauxite

Nguyên Hà

Bản báo cáo riêng của Chính phủ về việc triển khai các dự án bauxite đã được gửi đến Quốc hội

Quốc hội muốn có thông tin đầy đủ về các dự án bauxite - Ảnh minh họa.
Quốc hội muốn có thông tin đầy đủ về các dự án bauxite - Ảnh minh họa.
“Có cơ sở để tin cậy và an tâm về hiệu quả kinh tế” đối với hai dự án khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ là một trong những nội dung tại báo cáo “Về việc triển khai các dự án bauxite” được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 23/5.

Theo báo cáo, Việt Nam là một trong những nước có nguồn bauxite lớn trên thế giới với tổng trữ lượng quặng bauxite đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn. Tây Nguyên có nguồn tài nguyên bauxite chiếm 98,2% tổng trữ lượng và tài nguyên này.

Về số lượng các dự án trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến 2025, bản báo cáo cho biết sẽ có ba dự án alumin dự kiến triển khai trong giai đoạn 2008 - 2010. Ngoài Tân Rai và Nhân Cơ, sẽ có thêm một dự án alumin Kon Hà Nừng (Gia Lai), một dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng sẽ được triển khai. Các dự án này đều do Việt Nam tự đầu tư.

Từ 2010 - 2015 dự kiến triển khai đầu tư tiếp ba dự án là Đắc Nông 2, Đắc Nông 3 và Đắc Nông 4. Cả ba dự án này đều đã có đối tác nước ngoài mong muốn hợp tác đầu tư.

Lỗ trước, lãi sau?

Nhiều ý kiến hiện tỏ ra nghi ngại về kết quả tính toán hiệu quả kinh tế của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đối với hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, TKV khẳng định hiệu quả kinh tế của hai dự án này đã được phân tích, tính toán và cập nhật theo tình hình mới. Theo TKV, phương thức vận tải bằng ôtô trong giai đoạn đầu là có hiệu quả kinh tế. Khi chuyển sang vận tải đường sắt thì các dự án trên sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn và thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm.

TKV đánh giá, “những năm đầu của dự án có một số năm lỗ (lỗ kế hoạch), tuy nhiên đánh giá cả đời dự án là có hiệu quả kinh tế”.

Báo cáo cho biết, giá nhôm trên thị trường hiện nay đang ở mức giá sàn rất thấp (1.426 USD/ tấn, giá giao ba tháng), giảm khoảng 70% so với giá nhôm thời kỳ 2006 - 2007. Giá alumin cũng tương ứng giảm theo làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, các dự án alumin Tây Nguyên đều có tuổi đời dự án trên 50 năm.

Vì vậy, hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên cơ sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho cả giai đoạn tồn tại của dự án 362 USD/ tấn là phù hợp với quy định

Báo cáo cũng cho biết, hiện nay một số nhà sản xuất alumin lớn trên thế giới như Chalco, Alcoa, BHPB, UC- Russanl vẫn đang thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư sản xuất alumin tại Việt Nam. Vì vậy, có đủ cơ sở để tin cậy và an tâm về hiệu quả kinh tế.

Toàn bộ lao động là người Việt Nam khi dự án vận hành

Giai đoạn xây dựng dự án, phần xây dựng mỏ bauxite và khai thác quặng bauxite cũng như xây dựng nhà máy tuyển quặng bauxite toàn bộ sẽ do lao động Việt Nam thực hiện, bản báo cáo cho biết.

Phần xây dựng nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC) chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco, Trung Quốc thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5/2009) khoảng 600 người, trong đó khoảng 350 lao động Việt Nam.

Giai đoạn dự án đi vào vận hành, toàn bộ lao động là người Việt Nam. Bản báo cáo cũng nêu trong trường hợp cần thiết, thời gian đầu vận hành của nhà máy alumin có thể thuê thêm chuyên gia nước ngoài hướng dẫn (người Trung Quốc hoặc nước khác).

Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng quy định hiện hành về lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tác động môi trường có thể kiểm soát được

Trước những lo ngại và quan tâm lớn về tác động môi trường của các dự án bauxite, báo cáo của Chính phủ khẳng định kết quả phân tích bùn đỏ của bauxite Tây Nguyên không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm.

Đánh giá các dự án này sẽ không tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định, tuy nhiên, theo Chính phủ, những tác động môi trường này hoàn toàn có thể kiểm soát và khống chế tới mức an toàn cần thiết. Vấn đề quan trọng là cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và giám sát các giải pháp bảo vệ môi trường ngay trong quá trình xây dựng cũng như trong suốt quá trình vận hành các dự án.

Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng lập và trình duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp môi trường đối với hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.

Tại bản báo cáo, Chính phủ cũng đã trả lời về việc quy hoạch bauxite không phải trình Quốc hội thông qua chủ trương. Cụ thể, theo quy định tại Nghị quyết số 66/ QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội, chỉ có các dự án, công trình quan trọng quốc gia thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Quy hoạch bauxite cũng như nhiều quy hoạch khác (điện, dầu khí, thép...) không phải là dự án đầu tư, vì vậy không chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết 66.

* “Hy vọng Quốc hội sẽ nhận được nhiều thông tin hơn”

Liên quan đến nội dung bản báo cáo, Thạc sĩ Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội có ý kiến như sau:

"Báo cáo cho rằng quy hoạch khai thác không thuộc dự án phải trình Quốc hội quyết định theo Nghị quyết 66, diện tích đất, rừng phải chặt bỏ là nhỏ so với tổng diện tích toàn khu vực. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 66, chỉ cần chuyển đổi 200ha rừng phòng hộ sang mục đích khác đã phải trình Quốc hội quyết định.

Hơn nữa, Tây Nguyên không chỉ có dự án bauxite, còn 100 nghìn ha cao su sắp trồng, một diện tích lớn cà phê, 16 nhà máy thủy điện đã và đang thực hiện (dự kiến cung cấp 30% sản lượng điện cho đất nước), rồi dự án nhà máy giấy.

Tây Nguyên còn là rừng đầu nguồn cho tất cả các con sông Trung Trung Bộ đến Đông Nam Bộ, cung cấp nước cho hàng triệu ha đất nông nghiệp và hàng chục triệu người ở một vùng kinh tế năng động nhất nước… Liệu thiên nhiên có cung cấp đủ cho chúng ta tất cả mọi nhu cầu?

Nếu không sớm xem xét quy hoạch tổng thể cho Tây Nguyên mà chỉ đưa ra bàn bạc từng dự án cụ thể thì chẳng khác nào “thầy bói xem voi”, làm sao có thể quyết định chính xác được. Tôi hy vọng Quốc hội sẽ nhận được nhiều thông tin hơn xung quanh các kế hoạch quan trọng của đất nước.

Theo tôi, bảo vệ rừng Tây Nguyên là để bảo vệ sự ổn định và phát triển kinh tế của cả nước, không phải chỉ riêng cho Tây Nguyên. Bất cứ một dự án kinh tế nào nếu có nguy cơ làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên cần được tính toán hết sức thận trọng đến lợi ích toàn cục của nền kinh tế, để tránh gây hậu quả đáng tiếc về lâu dài".