Chính phủ tiếp tục “nới” chỉ tiêu lạm phát khoảng 15-17%
Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức từ 15 -17% trong năm nay
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tiêu kiểm soát lạm phát (CPI) ở mức khoảng 15 - 17% trong năm nay, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng ngập ngừng rằng “17% là con số phấn đấu”.
Tiếp tục phiên họp thứ 41, sáng 30/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp 6 tháng cuối năm.
Báo cáo (đề ngày 29/6) của Chính phủ nêu rõ, với ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời duy trì sản xuất, tăng trưởng ở mức hợp lý để bảo đảm thu nhập, giải quyết việc làm và tạo tiền đề góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong 6 tháng cuối năm, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản của năm 2011 là: kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP.
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thống nhất mục tiêu kiểm soát lạm phát chặt chẽ hơn, ở mức 15%.
Trực tiếp trình bày báo cáo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm dần. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2011 tăng 13,29%. Tính bình quân, chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Dừng lại sau con số này, Bộ trưởng Phúc “chú thích” 16,3% là con số so với cùng kỳ năm trước, là con số Quốc tế hay sử dụng chứ không phải là con số so với tháng 12 năm ngoái, như một số nhầm lẫn.
Về con số được nêu tại báo cáo, Bộ trưởng Phúc cho rằng kiềm chế được lạm phát ở mức 17% là rất khó khăn. Đây cũng là con số phấn đấu thôi, chứ khả năng giữ được ở 17 - 18% cũng là rất tốt rồi.
Việc dừng đọc báo cáo để giải thích sâu hơn về con số lạm phát của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có lý do liên quan đến con số trước đó cũng được đưa ra tại báo cáo của chính bộ này trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế vừa diễn ra ngày 24/6.
Theo bản báo cáo đó, 6 tháng cuối năm cần tập trung chỉ đạo, điều hành để thực hiện “kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15%.
Và chỉ trước cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nửa ngày, Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng khẳng định chỉ tiêu lạm phát được điều chỉnh tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 5/2011 ở mức 15% là không khả thi. Mà “CPI năm nay phải cỡ khoảng 17 - 18%”, ông Thắng dẫn lại lời của Bộ trưởng Phúc với sự đồng tình cao.
Tuy nhiên, con số 17 - 18% cũng chưa khiến Bộ trưởng Phúc hoàn toàn tự tin. Vì theo tính toán của ông thì giá cả trong các tháng Tám, Chín, Mười vẫn tăng, tháng 11 thì có thể giảm và đến tháng 12, như thường lệ sẽ lại tăng.
Thể hiện chính kiến về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cũng điểm mặt lạm phát đầu tiên trong số các hạn chế của nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng còn ở mức rất cao, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo (chiếm khoảng 22,1% số hộ dân cả nước), cũng như những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Đưa ra con số CPI tăng 20,82% so với tháng 6/ 2010, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng khó giữ ở mức 15% trong năm 2011.
Sự “du di” của con số lạm phát và một vài chỉ tiêu khác so với con số Quốc hội đã “chốt” cho năm 2011 đã khiến Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - người điều hành phiên thảo luận - đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem có đặt vấn đề điều chỉnh một số chỉ tiêu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13 hay không.
Một số ý kiến sau đó cho rằng, chỉ nên tăng cường các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm chứ không nên điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh nền kinh tế đang nổi lên một số vấn đề rất lớn cần tập trung xử lý. Như lạm phát tăng cao, gấp đôi tăng trưởng của năm 2010, giá trị VND giảm, lãi suất cho vay cao, ảnh hưởng đến việc làm thu nhập của nhân dân.
“Lạm phát cao thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng chứ không phải chỉ là 1 bộ phận nhân dân gặp khó khăn”, ông Kiên nói.
Theo Phó chủ tịch, trong điều hành 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần bám sát nội dung căn bản trong mục tiêu tổng quát, ít nhất phải thực hiện cho được tăng ổn định vĩ mô, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đó là vấn đề cốt lõi, “còn chỉ tiêu cụ thể thì du di thế nào do Chính phủ, lạm phát 12 hay 16% tùy Chính phủ tính, nợ công chi tiêu công cũng để Chính phủ du di”, ông Kiên phát biểu.
Tiếp tục phiên họp thứ 41, sáng 30/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp 6 tháng cuối năm.
Báo cáo (đề ngày 29/6) của Chính phủ nêu rõ, với ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời duy trì sản xuất, tăng trưởng ở mức hợp lý để bảo đảm thu nhập, giải quyết việc làm và tạo tiền đề góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong 6 tháng cuối năm, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản của năm 2011 là: kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP.
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thống nhất mục tiêu kiểm soát lạm phát chặt chẽ hơn, ở mức 15%.
Trực tiếp trình bày báo cáo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm dần. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2011 tăng 13,29%. Tính bình quân, chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Dừng lại sau con số này, Bộ trưởng Phúc “chú thích” 16,3% là con số so với cùng kỳ năm trước, là con số Quốc tế hay sử dụng chứ không phải là con số so với tháng 12 năm ngoái, như một số nhầm lẫn.
Về con số được nêu tại báo cáo, Bộ trưởng Phúc cho rằng kiềm chế được lạm phát ở mức 17% là rất khó khăn. Đây cũng là con số phấn đấu thôi, chứ khả năng giữ được ở 17 - 18% cũng là rất tốt rồi.
Việc dừng đọc báo cáo để giải thích sâu hơn về con số lạm phát của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có lý do liên quan đến con số trước đó cũng được đưa ra tại báo cáo của chính bộ này trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế vừa diễn ra ngày 24/6.
Theo bản báo cáo đó, 6 tháng cuối năm cần tập trung chỉ đạo, điều hành để thực hiện “kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15%.
Và chỉ trước cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nửa ngày, Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng khẳng định chỉ tiêu lạm phát được điều chỉnh tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 5/2011 ở mức 15% là không khả thi. Mà “CPI năm nay phải cỡ khoảng 17 - 18%”, ông Thắng dẫn lại lời của Bộ trưởng Phúc với sự đồng tình cao.
Tuy nhiên, con số 17 - 18% cũng chưa khiến Bộ trưởng Phúc hoàn toàn tự tin. Vì theo tính toán của ông thì giá cả trong các tháng Tám, Chín, Mười vẫn tăng, tháng 11 thì có thể giảm và đến tháng 12, như thường lệ sẽ lại tăng.
Thể hiện chính kiến về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cũng điểm mặt lạm phát đầu tiên trong số các hạn chế của nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng còn ở mức rất cao, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo (chiếm khoảng 22,1% số hộ dân cả nước), cũng như những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Đưa ra con số CPI tăng 20,82% so với tháng 6/ 2010, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng khó giữ ở mức 15% trong năm 2011.
Sự “du di” của con số lạm phát và một vài chỉ tiêu khác so với con số Quốc hội đã “chốt” cho năm 2011 đã khiến Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - người điều hành phiên thảo luận - đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem có đặt vấn đề điều chỉnh một số chỉ tiêu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13 hay không.
Một số ý kiến sau đó cho rằng, chỉ nên tăng cường các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm chứ không nên điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh nền kinh tế đang nổi lên một số vấn đề rất lớn cần tập trung xử lý. Như lạm phát tăng cao, gấp đôi tăng trưởng của năm 2010, giá trị VND giảm, lãi suất cho vay cao, ảnh hưởng đến việc làm thu nhập của nhân dân.
“Lạm phát cao thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng chứ không phải chỉ là 1 bộ phận nhân dân gặp khó khăn”, ông Kiên nói.
Theo Phó chủ tịch, trong điều hành 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần bám sát nội dung căn bản trong mục tiêu tổng quát, ít nhất phải thực hiện cho được tăng ổn định vĩ mô, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đó là vấn đề cốt lõi, “còn chỉ tiêu cụ thể thì du di thế nào do Chính phủ, lạm phát 12 hay 16% tùy Chính phủ tính, nợ công chi tiêu công cũng để Chính phủ du di”, ông Kiên phát biểu.