“CPI năm nay phải cỡ khoảng 17 - 18%”
Lãnh đạo chuyên trách của Tổng cục Thống kê khẳng định chỉ tiêu lạm phát 2011 được điều chỉnh ở mức 15% là không khả thi
Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng tiếp tục tái khẳng định chỉ tiêu lạm phát được điều chỉnh tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 5/2011 ở mức 15% là không khả thi.
“Theo ý kiến chúng tôi, con số 15% này không khả thi. Tôi đồng tình với Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, CPI năm nay phải cỡ khoảng 17 - 18%”, người có vai trò chính trong tính toán và công bố chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Tổng cục Thống kê khẳng định như vậy.
Giải thích cho con số dự báo của mình, ông Thắng viện dẫn, từ tháng 9 năm ngoái đến nay, CPI liên tục tăng và tháng nào cũng tăng với mức độ rất cao. “Lấy tháng 12 làm gốc, Nghị quyết Chính phủ tháng 5 điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát ở mức kiểm soát 15% nhưng hiện nay chúng ta đã tới 13,29% rồi”, ông nói.
Lưu ý đến những ngộ nhận gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức nhắc lại rằng, tất nhiên CPI từ mức tăng 3,32% xuống còn tăng 1,09% đã tưởng là thấp, nhưng một tháng tăng hơn 1% là rất cao.
Nhìn nhận dưới góc độ các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia Hà Quang Tuyến đặt câu hỏi: tổng phương tiện thanh toán đến ngày 10/6, theo công bố Ngân hàng Nhà nước, tăng 2,33%, tín dụng tăng 7,05%, thấp hơn rất nhiều cùng kỳ các năm trước, thế thì tại sao CPI vẫn tăng rất cao?
Theo lý giải của ông Tuyến, giá cả tiêu dùng 6 tháng 2011 không chỉ chịu ảnh hưởng của tổng phương tiện thanh toán và tín dụng 6 đầu năm nay mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, trong đó đáng lưu ý là ảnh hưởng do độ trễ của tăng tổng phương tiện thanh toán các năm trước.
"Dữ liệu chúng tôi có từ 2006, M2 (tổng phương tiện thanh toán - PV) luôn tăng từ trên 20% đến trên 43%. Như vậy, mức tăng M2 cao các năm trước còn có độ trễ, ảnh hưởng đến 6 tháng năm 2011", ông Tuyến cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Tổng cục Thống kê cũng tỏ ra khá thận trọng khi đo lường mức độ tác động đến CPI những tháng tới.
Tổng cục trưởng Đỗ Thức lưu ý rằng, CPI tăng có nguyên nhân do chi phí đẩy, xuất phát từ sản xuất. Mà từ sản xuất, để giảm CPI không thể nhanh chóng được. Trong tình thế giá cả thế giới cũng tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ông Thức nhìn nhận khó khăn ấy còn kéo dài.
Trong khi đó, chỉ số giá bán người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng năm 2011 tăng tới 27,57%, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 18,32%, được cho là nhân tố sẽ tiếp tục đẩy lạm phát tăng thêm trong các tháng tới.
Tín dụng, tổng phương tiện thanh toán tăng thấp là yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát trong 6 tháng đầu năm, nay nhận được thêm lo ngại bởi dư địa tăng trưởng 6 tháng cuối năm còn nhiều, nếu áp vào các mục tiêu tương ứng là dưới 20% và 15-16% tại Nghị quyết 11.
Với cách thức tăng trưởng tiếp tục nhờ vào đầu tư nhưng hiệu quả chậm được cải thiện, bản thân nền kinh tế cũng còn tiềm ẩn các yếu tố gây lạm phát.
“Trong những tháng tới này, chúng tôi dự báo là theo quy luật tiêu dùng, quý 3 tới có thể là dịu hơn, nhưng còn rất nhiều yếu tố tiềm ẩn nữa. Như là mưa bão ảnh hưởng đến lương thực thực phẩm, những mặt hàng tác động lên CPI nhiều. Quy luật tiêu dùng cuối năm cao nữa…”, ông Thắng lưu ý thêm.
Dẫn lại chuỗi số liệu về lạm phát, ông Thắng dự báo trong khoảng 6 tháng cuối năm nay, CPI sẽ tăng tổng cộng từ 2,5 - 3,9%. “Như vậy, CPI cả năm ở trong khoảng trên 17%. Nếu phấn đấu tốt, thực hiện kiềm chế lượng tiền ra lưu thông thì có thể trên 16%”, ông nói.
Tổng cục trưởng Đỗ Thức đưa thêm kịch bản, nếu Nghị quyết 11 được thực hiện quyết liệt thực sự, diễn biến CPI như năm 2008 thì có cơ sở để lạm phát năm nay xuống mức tăng dưới 15%.
“Tổng cục Thống kê đang tính theo điều kiện hiện nay thì phải 17 - 18% để cảnh báo. Muốn giảm đi phải làm mạnh mẽ hơn”, ông Thức kết luận.
“Theo ý kiến chúng tôi, con số 15% này không khả thi. Tôi đồng tình với Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, CPI năm nay phải cỡ khoảng 17 - 18%”, người có vai trò chính trong tính toán và công bố chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Tổng cục Thống kê khẳng định như vậy.
Giải thích cho con số dự báo của mình, ông Thắng viện dẫn, từ tháng 9 năm ngoái đến nay, CPI liên tục tăng và tháng nào cũng tăng với mức độ rất cao. “Lấy tháng 12 làm gốc, Nghị quyết Chính phủ tháng 5 điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát ở mức kiểm soát 15% nhưng hiện nay chúng ta đã tới 13,29% rồi”, ông nói.
Lưu ý đến những ngộ nhận gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức nhắc lại rằng, tất nhiên CPI từ mức tăng 3,32% xuống còn tăng 1,09% đã tưởng là thấp, nhưng một tháng tăng hơn 1% là rất cao.
Nhìn nhận dưới góc độ các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia Hà Quang Tuyến đặt câu hỏi: tổng phương tiện thanh toán đến ngày 10/6, theo công bố Ngân hàng Nhà nước, tăng 2,33%, tín dụng tăng 7,05%, thấp hơn rất nhiều cùng kỳ các năm trước, thế thì tại sao CPI vẫn tăng rất cao?
Theo lý giải của ông Tuyến, giá cả tiêu dùng 6 tháng 2011 không chỉ chịu ảnh hưởng của tổng phương tiện thanh toán và tín dụng 6 đầu năm nay mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, trong đó đáng lưu ý là ảnh hưởng do độ trễ của tăng tổng phương tiện thanh toán các năm trước.
"Dữ liệu chúng tôi có từ 2006, M2 (tổng phương tiện thanh toán - PV) luôn tăng từ trên 20% đến trên 43%. Như vậy, mức tăng M2 cao các năm trước còn có độ trễ, ảnh hưởng đến 6 tháng năm 2011", ông Tuyến cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Tổng cục Thống kê cũng tỏ ra khá thận trọng khi đo lường mức độ tác động đến CPI những tháng tới.
Tổng cục trưởng Đỗ Thức lưu ý rằng, CPI tăng có nguyên nhân do chi phí đẩy, xuất phát từ sản xuất. Mà từ sản xuất, để giảm CPI không thể nhanh chóng được. Trong tình thế giá cả thế giới cũng tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ông Thức nhìn nhận khó khăn ấy còn kéo dài.
Trong khi đó, chỉ số giá bán người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng năm 2011 tăng tới 27,57%, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 18,32%, được cho là nhân tố sẽ tiếp tục đẩy lạm phát tăng thêm trong các tháng tới.
Tín dụng, tổng phương tiện thanh toán tăng thấp là yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát trong 6 tháng đầu năm, nay nhận được thêm lo ngại bởi dư địa tăng trưởng 6 tháng cuối năm còn nhiều, nếu áp vào các mục tiêu tương ứng là dưới 20% và 15-16% tại Nghị quyết 11.
Với cách thức tăng trưởng tiếp tục nhờ vào đầu tư nhưng hiệu quả chậm được cải thiện, bản thân nền kinh tế cũng còn tiềm ẩn các yếu tố gây lạm phát.
“Trong những tháng tới này, chúng tôi dự báo là theo quy luật tiêu dùng, quý 3 tới có thể là dịu hơn, nhưng còn rất nhiều yếu tố tiềm ẩn nữa. Như là mưa bão ảnh hưởng đến lương thực thực phẩm, những mặt hàng tác động lên CPI nhiều. Quy luật tiêu dùng cuối năm cao nữa…”, ông Thắng lưu ý thêm.
Dẫn lại chuỗi số liệu về lạm phát, ông Thắng dự báo trong khoảng 6 tháng cuối năm nay, CPI sẽ tăng tổng cộng từ 2,5 - 3,9%. “Như vậy, CPI cả năm ở trong khoảng trên 17%. Nếu phấn đấu tốt, thực hiện kiềm chế lượng tiền ra lưu thông thì có thể trên 16%”, ông nói.
Tổng cục trưởng Đỗ Thức đưa thêm kịch bản, nếu Nghị quyết 11 được thực hiện quyết liệt thực sự, diễn biến CPI như năm 2008 thì có cơ sở để lạm phát năm nay xuống mức tăng dưới 15%.
“Tổng cục Thống kê đang tính theo điều kiện hiện nay thì phải 17 - 18% để cảnh báo. Muốn giảm đi phải làm mạnh mẽ hơn”, ông Thức kết luận.