16:30 28/08/2023

Chính phủ yêu cầu siết chặt không để cá tầm lậu “bơi” vào thị trường Việt Nam

Châu Anh

Hiện nay, việc các bộ, ngành lúng túng, chưa tìm được tiếng nói chung để ngăn cá tầm nhập lậu khiến người dân, doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn...

Cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc ngăn cá tầm nhập lậu
Cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc ngăn cá tầm nhập lậu

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6453/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý kiến nghị nhập khẩu cá tầm.

Theo đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, thẩm quyền được giao chủ trì làm việc với các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công an, Tài chính, Công Thương, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng thống nhất xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm trong thời gian qua; đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế có liên quan.

Các Bộ: Công an, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  theo chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật liên quan đế nhập khẩu cá tầm thời gian quan.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản số 5059/BTC-TCHQ ngày 18.5.2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong việc nhập khẩu cá tầm.

Cụ thể từ tháng 3-2021 đến nay, để kiểm soát giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng với giấy phép CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã cấp, các lô hàng cá tầm nhập khẩu đều phải được cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa.

Do hải quan không đủ kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật để xác định chủng loài cá nên đã gửi mẫu sang các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực hiện việc giám định.

Tuy vậy, kết quả giám định của các đơn vị này lại không kết luận rõ ràng hoặc không tiếp nhận mẫu dẫn đến cơ quan hải quan không đủ cơ sở pháp lý để thông quan hoặc xử lý vi phạm đối với tổng cộng 186 tờ khai nhập khẩu.

Hiện nay, cơ quan hải quan đang rà soát lại toàn bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu cá tầm trong giai đoạn 2021-2022 để xử lý vi phạm.

Gần đây nhất, ngày 1/8/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 5178/BNN-KL gửi Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất giải pháp để đảm bảo xử lý dứt điểm những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu cá tầm như: Bộ sẽ chủ động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trong năm 2023 trình Chính phủ xem xét ban hành. Bộ Tài chính chủ động xử lý hàng hoá thông quan, lưu giữ không đủ điều kiện thông quan theo đúng quy định pháp luật về hải quan.

Phản ánh tới một số cơ quan báo chí, Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng cho rằng việc các bộ, ngành đến nay vẫn lúng túng trong việc xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đang khiến ngành cá tầm trong nước lao đao.

Cá tầm từ nước ngoài nhập khẩu không kiểm soát được số lượng, chủng loại có mặt tràn lan tại thị trường Việt Nam và có hiện tượng bán phá giá, đe dọa ngành cá tầm trong nước. Đặc biệt, chất lượng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra, kiểm định có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.