06:00 09/08/2021

Chính sách "thời chiến"

Nguyễn Quốc Uy

Chính sách “thời chiến” áp dụng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 là hợp hiến và thực sự cần thiết..

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại TP.HCM

Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, thông qua chiều 28/7/2021, đã cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác luật để chống dịch Covid-19.

Đó là một quyết định đúng và cần thiết, được Hiến định, để áp dụng trong trường hợp đất nước có tình trạng khẩn cấp mà hiện nay chính là nạn dịch Covid-19 đang lan rộng như một hiểm họa chưa từng có, không chỉ ở nước ta, mà trên toàn cầu.

Điều 70 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (mục 13) quy định Quốc hội  “quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;…”.

“An ninh quốc gia” đồng nghĩa với “an toàn quốc gia”.

Nước ta đang đứng trước nguy cơ mất an toàn, khi dịch Covid-19 (bùng phát từ ngày 23/01/2020) lan rộng một cách nguy hiểm ra hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, với tổng số ca lây nhiễm đã vượt mốc 190.000, hơn 3.000 người tử vong, tính đến 18:00 ngày 6/8/2021.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 thực sự đang rất cấp bách. Làm việc trực tiếp với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sáng 30/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ví tính cấp bách của công tác này với tính cấp bách của việc chữa cháy. Theo đó, phải hết sức khẩn trương lo cả hai khâu song trùng là dập dịch và cứu người nhiễm bệnh, giống như trong chữa cháy, “không chỉ lo chữa cho người bị bỏng mà phải lo cả dập lửa”;  phải “lo cả hai, dập lửa và chữa người bị bỏng, không để chết vì bỏng”. 

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/7/2021 với TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Vì là chưa có tiền lệ, nên các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 chưa kịp điều chỉnh bằng luật. Nay được Quốc hội cho phép,  các biện pháp chưa có luật hoặc khác luật mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ áp dụng để chống dịch đều hợp pháp.

Trong số các biện pháp như vậy có biện pháp  hạn chế hoạt động của một số phương tiện; yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, ở một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan; được phép quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, như áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các biện pháp theo quy định trên của Quốc hội cho đến hết ngày 31/12/2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.

Vậy là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã được trao “Thượng phương bảo kiếm” để chủ động hành động khi chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp.

Mọi tổ chức, kể cả các doanh nghiệp, và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành mọi biện pháp chống dịch mà bộ máy hành pháp ở Trung ương và địa phương ban hành, không được viện cớ “không đúng luật” để lẩn tránh các trách nhiệm và nghĩa vụ này.

Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, khi xảy ra chiến tranh, có những chính sách không theo luật hoặc khác luật đã được áp dụng. Đó là chính sách thời chiến. Theo đó, Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng, thậm chí trưng thu các tài sản và phương tiện phục vụ nhu cầu chiến tranh mà mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành.

Chính sách “thời chiến” áp dụng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 là hợp hiến và thực sự cần thiết.