23:04 08/08/2021

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” chống đại dịch Covid-19

Nguyên Lê

“Linh hoạt” và “sáng tạo”… là hai cụm từ Thủ tướng Phạm Minh Chính thường dùng khi phát biểu hay làm việc với địa phương và các lĩnh vực. Đó là những cái “chốt” quan trọng ông khuyến khích mọi người nhớ khi xử lý công việc cho từng hoàn cảnh cụ thể trong một hành lang pháp lý....

“Linh hoạt” và “sáng tạo”… là hai cụm từ Thủ tướng Phạm Minh Chính thường dùng khi phát biểu hay làm việc với địa phương, các lĩnh vực
“Linh hoạt” và “sáng tạo”… là hai cụm từ Thủ tướng Phạm Minh Chính thường dùng khi phát biểu hay làm việc với địa phương, các lĩnh vực

Và đó cũng là điểm mấu chốt được các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tâm huyết gửi tới Thủ tướng Chính phủ trong buổi tọa đàm trực tuyến vừa được Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức ngày 7-8 vừa qua.

Với đại dịch Covid-19 đang xảy ra chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thì việc linh hoạt, sáng tạo trong chống dịch sẽ giúp chúng ta bớt bị động, bớt khó khăn. Phải chăng, cách làm đó cũng xuất phát từ quan điểm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Đảng ta vận dụng để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

CÁI TÂM PHẢI BÌNH TĨNH – TRONG SÁNG

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - tức lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Không nắm được bất biến mà chạy theo vạn biến thì vô cùng mỏi mệt. Một điều thú vị trong nhận thức về bất biến, chính là cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo, trong sáng, sáng suốt, minh mẫn.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương .
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương .

Đó chính là nền tảng cho sự linh hoạt, sáng tạo cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Với cái tâm đó, ta có thể ứng với mọi vạn biến. Tâm sáng giúp ta nhìn nhận sự vật hiện tượng biến đổi bên ngoài rõ ràng hơn, khách quan hơn, đúng đắn hơn.

Tinh thần "Dĩ bất biến ứng vạn biến" đến nay lại được vận dụng trong công cuộc chống đại dịch Covid -19. Thủ tướng Phạm Minh Chính tuy không sử dụng đầy đủ cụm từ này khi nói với các cấp để triển khai các nhiệm vụ chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế của Chính phủ, nhưng có lẽ, ý tứ đều dựa trên cốt lõi của quan điểm này.

 
Khi nói về chống dịch Thủ tướng cũng ví “chống dịch như chống giặc” và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; “thương người như thể thương thân”. Để chống dịch thành công… mọi việc đều phải sáng tạo, linh hoạt.

Ông nói, làm gì cũng phải phát huy cao nhất tính chủ động, tích cực, linh hoạt trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không trông chờ, ỉ lại. Phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngay trong phát biểu nhậm chức Thủ tướng trước Quốc hội, ông cũng thấy mình “phải thấm nhuần phương châm đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, trước hết; “Dân là gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Vậy, phải chăng, cái bất biến của Thủ tướng Chính phủ muốn nói, muốn mọi người thấm nhuần lúc này là: “Dân là gốc”, “Chống dịch như chống giặc”, “Bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân” là trên hết; “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”; linh hoạt, sáng tạo bằng cái tâm trong sáng để nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật.

LẤY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM

Nếu các cấp, các ngành đều linh hoạt, sáng tạo dựa trên những “bất biến” đó mà xem xét, giải quyết, thì sao có tình trạng ách tắc, gây phiền nhiễu khi xử lý các văn bản, chỉ thị trong từng trong bối cảnh công việc cụ thể.

Không có văn bản hành chính nào liệt kê hết được các mặt hàng thiết yếu, liệt kê bao nhiêu là đủ sẽ không thiếu. Mặt hàng thức ăn chăn nuôi có thể không thiết yếu với ông A nhưng lại thiết yếu với ông B, vì ông B đang chăn nuôi lợn gà. Không có cám thì lợn gà chết và sẽ chẳng còn thịt bán cho người dân.

Có những mặt hàng không có trong văn bản vì không được coi là thiết yếu với cơ quan quản lý Nhà nước, với những người ở chốt kiểm soát. Nhưng nó lại rất thiết yếu với một bộ phận dân cư nào đó, vì họ rất cần đến nó. Nếu hiểu cặn kẽ chuyện đó với cái tâm sáng, thì làm sao có chuyện ùn ứ với những chuyến xe “ chở hàng thiết yếu” hay không thiết yếu ở các chốt kiểm dịch...

 
“Nếu cứng nhắc không linh hoạt, sáng tạo theo quan điểm “ Dĩ bất biến ứng vạn biến” thì công nhân các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương làm sao được tiêm vaccine trong khi vaccine có thể bị tồn đọng do y tế công không tiêm kịp cho người dân

PGS Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Rồi câu chuyện vận chuyển hàng tươi sống sau 18 giờ của một số doanh nghiệp, đến với người tiêu dùng cũng vậy. Nếu biết linh hoạt, sáng tạo thì vẫn có cách tạo trong làm việc, mà không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Hay câu chuyện ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp trong vùng dịch. Nếu cứng nhắc, không linh hoạt, sáng tạo theo quan điểm “ Dĩ bất biến ứng vạn biến”, thì công nhân các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương làm sao được tiêm vaccine. Trong khi, vaccine có thể bị tồn đọng do y tế công không tiêm kịp cho người dân. Đây cũng chính là câu chuyện của PGS Tiến sĩ Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế nêu ra tại Tọa đàm: “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng" do Tạp chí kinh tế Việt Nam tổ chực trực tuyến vào ngày 7/8/2021.

Không ít trường hợp một số nơi đã thiếu sự vận dụng quan điểm này được các chuyên gia nêu tại buổi tọa đàm. Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch tập đoàn dệt may Việt Nam cho rằng, rất cứng nhắc khi vận dụng một chính sách như nhau cho những huyện không bị dịch trong một tỉnh. Các doanh nghiệp nằm trong huyện này cùng chịu cùng mức như huyện đang là tâm dịch.

Và ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ công thương, khi nêu ý kiến cuối cùng cũng mong với những cái bất biến mà Thủ tướng đã nói, cần phải linh hoạt, sáng tạo để ứng với cái vạn biến do dịch bệnh đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến người dân.

Sự sáng tạo và linh hoạt đó cần thiết phải dựa trên hành lang của nhưng quy định chung, quy trình được tổng hợp từ thực tế giúp chúng ta đảm bảo phòng chống dịch được đại dịch với chiến lược “ Vaccine cộng 5k…”

Sự kiện các lực lượng chức năng giúp đỡ hàng ngàn người dân chạy xe máy từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê tận Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình dù biết họ vi phạm quy định chống dịch chính là sự “linh hoạt” đầy tình người dựa tên “ cái bất biến” “thương người như thể thương thân”, coi “dân là gốc”.

 

Quốc hội khóa XV đã giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong chống dịch bằng một Nghị quyết cũng là theo quan điểm này, nếu quá cứng nhắc thì có nguy cơ hỏng việc lớn. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cũng là “cái bất biến” giúp chúng ta chuyển trạng thái chống dịch một cách uyển chuyển hơn, phù hợp hơn.