09:15 20/11/2008

Chính sách thương mại Mỹ sẽ thế nào thời Obama?

Lê Xuân Dương

Thử đưa ra một số nhận xét chủ quan về chính sách thương mại của Chính quyền Obama trong năm tới

Nước Mỹ đang bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Trong ảnh là cuộc gặp giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Bush và Tổng thống mới đắc cử Obama tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters.
Nước Mỹ đang bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Trong ảnh là cuộc gặp giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Bush và Tổng thống mới đắc cử Obama tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 đã bắt đầu tạo ra những thay đổi, đúng như khẩu hiệu tranh cử của ông Obama: “The change we need”.

Với kết quả 53% phiếu ủng hộ ông Barack Obama, người Mỹ da màu đầu tiên lên làm tổng thống, người dân Mỹ đã bác bỏ chính sách kinh tế của Chính quyền Bush để lựa chọn một vị Tổng thống hứa hẹn những thay đổi đưa nền kinh tế Hoa Kỳ trở lại sức mạnh và tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Được hậu thuẫn bởi một Quốc hội với Đảng Dân Chủ chiếm đa số trong cả thượng và hạ viện, ông Obama có thuận lợi trong việc tìm kiếm sự đồng thuận ở Quốc hội, nhưng việc đưa Hoa Kỳ trở lại sức mạnh kinh tế như thời Tổng thống Clinton sẽ cực kỳ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Điểm lại các tranh luận, và bình luận báo chí trong quá trình tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Barack Obama, người viết thử đưa ra một số nhận xét chủ quan về chính sách thương mại của Chính quyền Obama trong năm tới.
 
Trong quá trình tranh cử ông Obama đã liệt kê các ưu tiên của mình nếu đắc cử Tổng thống, đó là: kinh tế, khủng hoảng tài chính, độc lập năng lượng, y tế, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giáo dục, cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước, nhưng thương mại đã không có tên trong danh sách các vấn đề ưu tiên trước mắt của ông Obama. Tuy nhiên ông Obama khẳng định sẽ thực thi các cam kết toàn cầu, thực thi cam kết WTO, duy trì thị trường mở và giữ cho thương mại thế giới không bị tác động nhiều bởi khủng hoảng tài chính. Ông cũng khẳng định sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ và rộng lớn với Trung Quốc.

Năm 2009, chính sách thương mại của Hoa Kỳ sẽ không có nhiều thay đổi và đàm phán tự do hóa thương mại cũng sẽ không tiến triển nhiều. Tổng thống đắc cử Barack Obama tin vào một thương mại bình đẳng (fair trade), nhưng phải tuân theo các cam kết có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu trong các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường, y tế và các tiêu chuẩn an toàn. Đây chính là đường hướng mà Chính quyền Bill Clinton từng làm.

Quan hệ thương mại với Trung Quốc

Tổng thống Obama sẽ đặc biệt quan tâm đến chính sách kinh tế của Trung Quốc liên quan đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ và các biện pháp bảo hộ thương mại. Trong khi đó các nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ, thông qua các nghị sỹ đại diện cho họ, vẫn duy trì áp lực đối với ông Obama trong việc cản trở tự do thương mại và áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc.

Kinh tế suy thoái làm cho Hoa Kỳ khó có thể đưa ra những hành động mạnh chống lại Trung Quốc và Chính quyền Obama cũng sẽ khó khăn hơn trong việc điều chỉnh quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc, như Chính quyền Clinton hay Chính quyền Bush đã làm.

Hiện Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn thứ ba đối với hàng hóa Hoa Kỳ và là chủ của khoản nợ 1 nghìn tỷ USD mà chính phủ Hoa Kỳ vay của Trung Quốc. Giảm tiêu dùng ở Hoa Kỳ sẽ làm giảm thâm hụt thương mại và do đó có thể là liều thuốc hạ nhiệt đối với sức ép lên Chính quyền Obama trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Mới đây, Trung Quốc thông báo phê chuẩn gói tài chính 586 tỷ USD để kích thích kinh tế và duy trì tăng trưởng ở mức 8-9%, trong đó tập trung phát triển kinh tế nội địa và giảm lệ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, một số nhà bình luận quốc tế đã nhìn nhận các biện pháp này mang nhiều tính trợ cấp hơn là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn Hoa Kỳ thì thúc giục Trung Quốc tăng tiêu dùng nội địa thông qua cải thiện các chính sách xã hội và cải thiện hệ thống y tế, đồng thời theo dõi chặt chẽ không để Trung Quốc tăng cường các rào cản thương mại chống lại nhập khẩu.

Xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị đe dọa. Công nghiệp dệt may Hoa Kỳ đã thuyết phục được một số nghị sỹ Quốc hội gửi thư yêu cầu Chính phủ thiết lập một chương trình giám sát, bằng một website, để theo dõi hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, nhằm tạo cớ gây sức ép nếu nhập khẩu dệt may từ Trung Quốc tăng đột biến.

Chính quyền Bush cũng đã thực hiện việc giám sát như vậy đối với hàng dệt may Việt Nam, và ngành công nghiệp dệt may Hoa Kỳ đang gây sức ép yêu cầu Chính phủ Obama tiếp tục duy trì việc giám sát này trong năm 2009.

Để lấy lòng cử tri bang Bắc Carolina, nơi tập trung nhiều cơ sở dệt may của Hoa Kỳ, ứng cử viên Tổng thống Obama lúc đó đã gửi một bức thư cho Hiệp hội Dệt may Hoa Kỳ ủng hộ việc thiết lập chương trình theo dõi nhập khẩu dệt may Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình thương mại tiếp tục suy giảm, nhập khẩu khó có thể tăng vọt, ngay cả khi hạn ngạch của Hoa Kỳ đối với dệt may Trung Quốc được dỡ bỏ từ 1/1/2009.

Việc áp đặt biện pháp bảo vệ, hoặc khởi kiện điều tra chống bán phá, hoặc chống trợ giá có thể không xảy ra, nhưng giới công nghiệp dệt may Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng bức thư của ông để gây sức ép.

Chính quyền Obama sẽ tiếp tục các cuộc gặp cấp cao song phương với Trung Quốc, kiểu như đối thoại kinh tế chiến lược (Strategic Economic Dialogue - SED) mà chính quyền Bush đã làm, để đàm phán về cơ cấu thương mại giữa hai nước.

Phía Trung Quốc suy đoán ông Obama sẽ chỉ định Phó tổng thống đắc cử Biden dẫn đầu đoàn đàm phán vì ông này là người cứng rắn và hiểu sâu sắc vấn đề. Ông Obama chắc chắn sẽ giữ kết quả mà Chính quyền Bush đã đạt được qua các cuộc đối thoại SED, là “Thỏa thuận khung 10 năm hợp tác năng lượng và môi trường” với Trung Quốc.

Trong khuôn khổ SED, Chính quyền Obama trước hết sẽ yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ. Đây là vấn đề ông Obama nhiều lần nêu ra trong quá trình tranh cử và bản thân ông cũng là người đồng bảo trợ cho một dự luật của Quốc hội chống lại trợ cấp thương mại qua tỷ giá hối đoái. Ông Obama tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp ngoại giao để giải quyết việc này và có thể xem Trung Quốc như một nhà nước điều khiển tỷ giá hối đoái. Nếu việc này xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 nước.

Chính quyền Obama sẽ theo dõi chặt chẽ các chính sách bảo hộ thương mại của Trung Quốc và sẽ chỉ đạo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) làm việc này. USTR sẽ phải gây sức ép với Trung Quốc trong việc kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ, tự do hóa dịch vụ tài chính, loại bỏ trợ cấp trong ngành sản xuất thép và giảm phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất vải và sợi Hoa Kỳ, USTR sẽ phải tìm kiếm lý do để kiện lên WTO việc mà họ cho là Trung Quốc trợ giá bất hợp pháp cho công nghiệp dệt may.

Hiệp định thương mại tự do và quyền thỏa thuận thương mại

Dưới thời Chính quyền Obama, việc đàm phán hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có thể sẽ bị trì hoãn.

Việc Quốc hội xem xét FTA với Panama có thể sẽ phải hoãn đến năm tới. Chính quyền Obama và Quốc hội do Đảng Dân chủ lãnh đạo sẽ ủng hộ FTA với Columbia để mở cửa thị trường Columbia cho sản phẩm của Hoa Kỳ, nhưng không dễ nhượng bộ trong vấn đề lao động. Các cố vấn của ông Obama sẽ gặp phía Columbia để đưa ra các yêu cầu thương lượng lại điều khoản lao động trong FTA với Columbia.

Hiệp định FTA với Hàn Quốc sẽ tiến triển khó khăn hơn. Hoa Kỳ lo ngại về các điều khoản trong hiệp định liên quan đến thị trường xe hơi, nên sẽ yêu cầu đàm phán lại để đảm bảo lợi ích cho các nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ. Với công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ hiện trong cơ hoạn nạn (phải tìm kiếm trợ giúp của chính phủ trong gói cứu trợ kinh tế 700 tỷ USD) và người Hàn Quốc tỏ ý không muốn đàm phán lại, thì sẽ phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để thu xếp.

Tổng thống Obama sẽ tìm kiếm sự đồng thuận trong Quốc hội để phê chuẩn Quyền thỏa thuận Thương mại (TPA) mới, trước khi tiến hành các cuộc đàm phán thương mại mới. TPA mới sẽ gồm các biện pháp mạnh hơn về quyền tự vệ thương mại (safeguard), điều kiện lao động, môi trường, y tế, tiêu chuẩn an toàn lao động và cơ chế tăng cường tham vấn tại Quốc hội.

Tuy nhiên các vấn đề này sẽ phải được soạn thảo sao cho không làm mất sự ủng hộ của các nghị sỹ thuộc phái trung dung khi biểu quyết phê chuẩn TPA. Sau khi TPA được phê chuẩn, ông Obama sẽ đưa ra lịch trình đàm phán với các đối tác FTA dựa trên các tiêu chí thương mại chứ không theo các tiêu chí chính trị.

Hiện chưa rõ Hoa Kỳ có tiếp tục tham gia vào đàm phán thương mại “P-4” (hay là Trans-Pacific) với Chile, Singapore, Brunei và New Zealand mà Tổng thống Bush vừa bắt đầu hay không. Phần lớn các điều khoản của Hiệp định “P-4” đã có hiệu lực từ năm 2006 đối với 4 nước sáng lập nêu trên. Các bên ký kết vẫn còn phải thảo luận các điều khoản liên quan đến dich vụ và đầu tư.

Hoa Kỳ đã tham gia các cuộc thảo luận này và đang xem xét khả năng có tham gia toàn bộ Hiệp định hay không. Cuộc đàm phán sắp tới dự kiến tiến hành vào tháng 3/2009, nhưng việc Hoa Kỳ tiếp tục tham gia đàm phán sẽ phải chờ đến khi cơ quan USTR mới được hoàn tất về tổ chức. Chính quyền mới sẽ quyết định việc tham gia Hiệp định P-4 nếu nó chứng tỏ sẽ xây dựng được một khối tự do thương mại (FTA) rộng lớn ở châu Á, đối trọng lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính quyền Obama cũng có thể sẽ đặt vấn đề xem xét lại Hiệp định NAFTA để bao gồm cả quyền tự vệ về lao động và môi trường trong giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên việc này khó thành công vì sẽ bị các thành viên NAFTA phản đối và sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề nhạy cảm hơn, đó là dầu khí và nông nghiệp.

Tăng cường bảo hộ mậu dịch

Kinh tế Hoa Kỳ suy thoái là cớ để các nghị sỹ đại diện cho các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất (ví dụ các vùng công nghiệp nặng ở Trung - Tây Hoa Kỳ) đưa ra các dự luật tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước.

Các giới chủ công nghiệp thép và dệt may và các tổ chức nghiệp đoàn của các ngành công nghiệp này đang gây sức ép lên chính quyền sắp tới của ông Obama để sớm có ngay các biện pháp chống lại hàng nhập khẩu từ các nước mà họ cho là vi phạm luật thương mại Hoa Kỳ. Mục tiêu của họ trước hết nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có nhiều tiếng nói trong Quốc hội cho rằng Hoa Kỳ cần thận trọng trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt các nước bạn hàng, vì các nước này cũng sẽ không ngần ngại đưa ra những biện pháp “trả thù”.

Quốc hội Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không thông qua các dự luật dẫn đến việc kéo dài tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, nhưng sẽ hợp tác với Chính quyền Obama để đưa ra các biện pháp bảo hộ thỏa mãn các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, nhưng cũng không làm phiền lòng nhiều đến các nước bạn hàng của Hoa Kỳ.

Về mặt lý thuyết, Chính quyền Obama sẽ phải kết hợp giữa luật lệ của Hoa Kỳ và các quy định của quốc tế trong việc mở cửa thị trường để nhào nặn ra một chính sách thương mại sao cho có thể chấp nhận được với các ngành công nghiệp Hoa Kỳ và các nước bạn hàng của Hoa Kỳ.

Các chương trình ưu đãi thương mại

Tháng 10 vừa qua, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn gia hạn một năm (đến 31/12/2009) Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và Chương trình Xúc tiến thương mại và Chống ma túy (ATPDEA) dành cho các nước Nam Mỹ.

Tuy nhiên số phận của ATPDEA phụ thuộc vào Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Columbia. Hiệp định FTA với Peru đang triển khai, vì vậy Peru không cần các quyền lợi dành cho thành viên ATPDEA.

Còn Bolivia và Ecuador, do đang có quan hệ chính trị xấu với Hoa Kỳ sẽ không được hưởng các quyền lợi của ATPDEA. Nếu trong năm tới FTA với Columbia được phê chuẩn thì vai trò của ATPDEA sẽ không cần thiết nữa.

Về GSP, Quốc hội Hoa Kỳ muốn chương trình này trước hết phải được dành cho các nuớc đang phát triển thực sự cần trợ giúp. Thứ hai, chương trình này phải hài hòa với các chương trình ưu đãi khác, trong đó mỗi chương trình phải có phạm vi và quy định riêng. Trong một báo cáo gần đây, Quốc hội Hoa Kỳ cho rằng chỉ 10 nước được hưởng GSP đã chiếm 75% các tổng các chương trình ưu đãi của Hoa Kỳ và việc xét duyệt GSP nặng về chính trị hơn là về kinh tế.

Nhiều nghị sỹ cho rằng Ấn Độ cần phải bị loại ra khỏi danh sách được hưởng GSP, nhất là sau khi Ấn Độ đã có những tác động làm thất bại vòng đàm phán Doha cấp bộ trưởng hồi tháng 7 vừa qua tại Geneva. Một số nghị sỹ lại muốn đưa ra dự luật thiết lập thêm các chương trình ưu đãi dành riêng cho các nước kém phát triển (Least Developed Countries - LDC), tuy nhiên các chương trình này đang gặp phải nhiều tranh cãi về mức độ được miễn thuế, nhất là đối với sản phẩm dệt may.

Chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với giày dép và áo khoác cho các nước LDC sẽ được đưa vào nghị trình Quốc hội khóa tới, mặc dù được nhiều nghị sỹ ủng hộ nhưng chưa rõ bao giờ Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua.

Vòng đàm phán Doha

Chính quyền Obama sẽ tiếp tục các nỗ lực để kết thúc vòng đàm phán thương mại toàn cầu. Tổng thống đắc cử Obama đã nói với Thủ tướng Anh Gordon Brown là ông ủng hộ chính quyền Bush để đạt được một giải pháp vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, kể cả được sự ủng hộ của chính quyền Obama, vòng đàm phán Doha có thể vẫn bị trì trệ cho đến cuối năm 2009, tức là cho đến khi có kết quả bầu cử tổng thống mới ở Ấn Độ và có kết quả bầu cử mới của Ủy ban Châu Âu (EC).

Trong tuần này các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới (G20) nhóm họp tại thủ đô Washington để thảo luận về hợp tác giải quyết khủng hoảng tài chính thế giới cũng thúc đẩy sớm khởi động lại vòng đàm phán Doha.
 
Thay đổi khí hậu

Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy Quốc hội Hoa Kỳ xem xét các khía cạnh pháp luật đối với vấn đề thay đổi khí hậu.

Quốc hội sẽ phải giải quyết khía cạnh pháp lý của nhiều vấn đề như công nghệ và kinh phí để giúp các doanh nghiệp đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm ảnh hưởng của giá năng lượng đối với người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh của công nghiệp của Hoa Kỳ so với công nghiệp ở các nước không bị tác động bởi các quy định kiểm soát khí thải công nghiệp, vai trò của WTO, vai trò của năng lượng nguyên tử...

Tất cả các vấn đề pháp lý nêu trên sẽ phải được xem xét trên phương diện thương mại và phải có sự tham gia tích cực của các nước cũng thải nhiều khí công nghiệp là Trung Quốc và Ấn Độ.

Các nhà xuất, nhập khẩu sẽ phải lưu ý tới khả năng Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn dự luật về bảo vệ môi trường, trong đó sẽ quy định một khoản phí container (25 USD cho 1 container 20 ft và 50 USD cho 1 container 40 ft) được thu trên mỗi container xuất và nhập khẩu, để cải thiện cảng biển, tăng cường an ninh và các biện pháp bảo vệ môi trường.   

Thành viên chính phủ và quốc hội

Chính sách thương mại của Chính quyền Obama sẽ thể hiện rõ hơn sau khi Tổng thống Obama lập xong bộ máy giúp việc là các thành viên chủ chốt trong chính phủ, nhất là bộ trưởng các bộ kinh tế như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Cơ quan Đạị diện Thương mai (USTR) và các cố vấn kinh tế của Nhà Trắng.

Chính sách thương mại của Hoa Kỳ cũng còn phụ thuộc vào cơ cấu của Quốc hội và tỷ lệ giữa các nghị sỹ bảo hộ sản xuất trong nước và các nghị sỹ ủng hộ tự do thương mại.

* Tác giả bài viết nguyên là Giám đốc Trung tâm Thương mại Việt Nam tại New York (Mỹ), và hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương).