14:01 06/11/2021

Chính thức bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để khai thác thương mại

Phương Thảo -
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm khởi công và xây dựng đã chính thức được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội để đưa vào khai thác thương mại...

Đúng 7h25 ngày 6/11, dưới sự chứng kiến của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và chính thức phát lệnh khai thác thương mại dự án.

Phát biểu tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008 (phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016), bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐBGTVT ngày 15/10/2008 là 8.769,9 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016 và số 1511/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2017 là: 18.001,5 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỉ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, trong đó vốn vay của Trung Quốc: 13.867,1 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD); vốn đối ứng của Việt Nam: 4.134,399 tỉ đồng (tương đương 198,42 triệu USD).

Tại lễ bàn giao, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay thì phải mất từ 8 - 10 năm mới hoàn thành xong một dự án đường sắt đô thị.

Chính vì vậy, tới đây ngoài sự tiếp tục kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA thì cần có những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển mạng lưới dự án đô thị. Đây là loại hình giao thông ưu việt, có khối lượng vận chuyển lớn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu của giao thông thành phố và của nhân dân.