Chip hoá: Hành trình "lột xác" của hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt
Từ hôm nay (28/5), toàn hệ thống ngân hàng bắt đầu quá trình chuyển đổi 75 triệu thẻ từ sang thẻ chip, dự kiến hoàn tất vào 2021
Từ hôm nay (28/5), toàn hệ thống ngân hàng bắt đầu quá trình chuyển đổi 75 triệu thẻ từ sang thẻ chip, dự kiến hoàn tất vào 2021. An toàn, đa tiện ích là đích đến mà Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và Napas nhắm tới.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc, phụ trách Khối nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết: "Qua nghiên cứu triển khai chuyển đổi thẻ chip tại một số quốc gia, tội phạm thẻ giảm đáng kể".
Khỏi lo tiền "bốc hơi"
Thẻ từ (ATM) với chức năng phục vụ thanh toán, sao kê, vấn tin, thanh toán qua POS hoặc ở các cột tự phục vụ. Theo phân tích của ông Minh, mặc dù cũng được mã hoá nhưng thẻ nội địa với công nghệ từ dễ bị sao chép thông tin, làm giả, nhất là khi mã PIN bị để lộ, nếu lọt vào tay kẻ gian thì cầm chắc tiền trong tài khoản bị khoắng sạch.
Trái lại, thẻ chip nhờ công nghệ bảo mật hiện đại, chúng trở nên gần như an toàn tuyệt đối, những quốc gia sớm chuyển đổi sang thẻ chip, tình trạng tội phạm thẻ giảm hẳn. Đó là lý do vì sao thẻ chip là lựa chọn số 1 trong 10 năm gần đây.
Cũng theo ông Minh, mặc dù thẻ chip ra đời vào năm 1990 nhưng do giá thành cao nên mãi đến năm 2000, khi giá thành hạ thấp hơn, thẻ chip mới trở nên phổ biến tại các quốc gia vùng lãnh thổ châu Âu, Đài Loan, Malaysia.
Mặc dù tiên phong nhưng Đài Loan và Malaysia vẫn dùng thẻ chip theo chuẩn của họ cho đến khi xuất hiện tiêu chuẩn EMV. EMV được biết đến như là chuẩn mực thẻ chip của châu Âu, được các "đại gia" về thẻ trên thế giới như Visa, MasterCard, JCB, Union Pay thừa nhận và triển khai trong hệ thống của mình.
EMV là viết tắt của Europay, MasterCard, Visa, là ba tổ chức đã phát triển và thiết lập EMV thành tiêu chuẩn toàn cầu cho các giao dịch tín dụng và ghi nợ dựa trên công nghệ chip. Chuẩn EMV giúp tối đa hoá an ninh và khả năng tương tác toàn cầu để các dòng thẻ quốc tế được chấp nhận trên khắp thế giới.
Tại Malaysia, hoàn thành chuyển đổi thẻ chip vào cuối 2018, còn ở Indonesia, bắt đầu quá trình chuyển đổi từ 30/7/2017 và dự kiến kết thúc vào 31/12/2021.
Đặc biệt, tại Mỹ, mới thực hiện chuyển đổi thẻ chip trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo phân tích của "đại gia" thẻ Visa, thẻ chip với công nghệ gắn microchip, khi được kết hợp với số nhận dạng cá nhân (PIN) đã trở thành giải pháp chống giả mạo, gian lận khi thẻ bị thất lạc hoặc bị đánh cắp. Công nghệ của thẻ chip cũng ngăn không cho thẻ bị làm giả cộng với yếu tố mã PIN xác nhận chủ sở hữu duy nhất.
Khi được sử dụng tại một điểm giao dịch bán hàng, tin nhắn xác nhận giao dịch được gửi tới để xác nhận sẽ không chứa bất kỳ dữ liệu nào có thể bị sử dụng để giả mạo chip hoặc thực hiện giao dịch trái phép bằng cách dùng lại những dữ liệu thu được từ giao dịch trước.
Đặc biệt, đối với các du khách trên thế giới, khi du lịch đó đây, việc phải thanh toán nhiều nơi, nhiều điểm là tất yếu. Và, trong trường hợp chủ thẻ được tổ chức phát hành cài đặt là "thẻ ưu tiên sử dụng PIN" thì luôn luôn phải sử dụng mã PIN khi thanh toán nhằm xác minh chủ giao dịch thực sự. Nhờ đó, tính an toàn trở nên vượt trội so với các hình thức thanh toán không tiền mặt khác.
Biểu đồ tỷ lệ chấp nhận sử dụng thẻ chip EVM trên toàn thế giới - Số liệu dựa trên báo cáo quý 4 lần lượt qua các năm 2016, 2017 và 2018, trình bày những thống kê mới nhất của American Express, Discover, JCB, MasterCard, UnionPay, and Visa, tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức thành viên trên toàn cầu.
Đa tiện ích
Ngoài chức năng thanh toán an toàn (như nói trên), thẻ chip còn tích hợp hàng loạt tiện ích khác, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng và đặc biệt là tối đa hoá các số liệu thống kê, phục vụ hoạt động quản lý.
Tại Anh, quốc gia được cả thế giới coi là "vương quốc không tiếp xúc" trong thanh toán. Với số lượng lên tới 460 nghìn thiết bị POS contactless sử dụng thường xuyên, 50 triệu thẻ contactless, 18% dân số sử dụng thẻ EMV Contactless. Nhờ đó, giá trị thanh toán contactless khoảng 1 tỷ bảng anh trong các năm từ 2012 đến 2014. Đáng chú ý, trong lĩnh vực giao thông, có tới 7,7 triệu giao dịch thẻ mỗi tuần; trong đó, tàu điện chiếm 30%, bus chiếm 25%.
Hay như ở Singapore, quốc gia này xây dựng tiêu chuẩn EMV Dual Interface và bắt đầu phát hành vào năm 2017. Vào 20/3/2017, MasterCard triển khai thử nghiệm thẻ EMV Dual Interface trên các tuyến xe bus và MRT, số liệu ghi nhận đến từ thời điểm triển khai tới 30/11/2018 có xấp xỉ 26.000.000 chuyến và trung bình 50.000 chuyến/1 ngày; tháng 12/2018, Visa triển khai thử nghiệm thẻ EMV Dual Interface trong giao thông; ngày 4/4/2019, TransitLink triển khai chính thức chấp nhận thẻ EMV Dual Interface trong giao thông.
Nhờ tích hợp khả năng thanh toán ngân hàng và thanh toán giao thông trên cùng 1 thẻ chip nên rất tiết kiệm chi phí.
Hay như ở Ấn Độ, đã rất thành công trong xây dựng mô hình National Common Mobility Card (NCMC) để thanh toán trong giao thông cũng như trong bán lẻ. Sản phẩm thẻ tích hợp thẻ EMV Open Loop với hình thức store - valued (Thẻ nhựa được mã hóa với giá trị bằng tiền trên một dải từ tính).
Thẻ này hỗ trợ thanh toán trong giao thông, thành phố thông minh, trạm thu phí tự động và trạm thu phí đỗ xe và các thanh toán giá trị thấp tại các đơn vị bán lẻ. Từ đó, cho phép hỗ trợ như social security, driving license, ID/access,…gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.
Nắm bắt được ưu điểm vượt trội nêu trên, từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã có định hướng xuyên suốt là chuyển đổi thẻ từ sang chip với lộ trình và bước đi cụ thể. Sau rất nhiều hội thảo, mời nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới tư vấn, Ngân hàng Nhà nước giao cho Napas xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip và EMV là chọn lựa duy nhất vào tháng 10/2014.
Theo đó, bộ tiêu chuẩn EMV do Napas xây dựng là bộ tiêu chuẩn chung, quy định về những đặc tả kỹ thuật cũng như luồng tiền nhằm đạt 2 mục đích: tương thích và an toàn.
Nói cách khác, mặc dù theo tiêu chuẩn EMV nhưng các tổ chức như MasterCard, JCB lại có tiêu chuẩn riêng. Vì vậy, hướng đi ở đây là xây dựng bộ tiêu chuẩn EMV Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn này được Ngân hàng Nhà nước công bố vào tháng 10/2018 và được cho là 1 trong những sự kiện công nghệ nổi bật nhất của ngành ngân hàng năm đó.
Theo sát quá trình này, Napas cũng kiêm thêm nhiệm vụ hỗ trợ các ngân hàng về kỹ thuật trong quá trình tiếp cận và đã có 7 ngân hàng gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank cùng TPBank, ABBANK, Sacombank triển khai từ đợt đầu.
Theo đại diện Napas, đến thời điểm này, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành, bao gồm: hệ thống chuyển mạch, xử lý giao dịch, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống thanh toán bù trừ.
Điểm đáng chú ý, dựa trên nền tảng thẻ chip, trong thời gian tới sẽ triển khai cả hệ thống thanh toán Mobile Payment.
Trả lời câu hỏi của VnEconomy, vì sao không tiến thẳng lên Mobile Payment mà phải qua thẻ chip, đại diện Napas phân tích: Thời gian qua có nhiều phương tiện Mobile Payment nhưng chip vẫn là lựa chọn số 1. Vì, Mobile Payment có thể rơi, mất điện thoại, bỏ quên trong máy giặt. Ở Trung Quốc, thanh toán qua smartphone là điển hình nhưng luôn phải kèm theo cục pin dự phòng; trong khi, công nghệ chip rất ổn định và luôn trong tình trạng sẵn sàng. Thậm chí, kể cả khi thẻ chip bị cong thì vẫn dùng bình thường.