11:54 29/06/2007

Cho vay đầu tư chứng khoán: Các ngân hàng bày tỏ quan điểm

Minh Đức

Quan điểm chung là các ngân hàng nên vì mục tiêu ổn định lâu dài mà tránh lệ thuộc vào lợi nhuận lớn trước mắt

Trong Chỉ thị 03, điểm mà không chỉ các ngân hàng mà cả nhà đầu tư cũng như giới quan sát đặt câu hỏi trong thời gian qua là khái niệm “chứng khoán” được hiểu như thế nào, gồm những đối tượng nào thuộc diện giới hạn tỷ lệ 3% tổng dư nợ? - Ảnh: VT.
Trong Chỉ thị 03, điểm mà không chỉ các ngân hàng mà cả nhà đầu tư cũng như giới quan sát đặt câu hỏi trong thời gian qua là khái niệm “chứng khoán” được hiểu như thế nào, gồm những đối tượng nào thuộc diện giới hạn tỷ lệ 3% tổng dư nợ? - Ảnh: VT.
Ngày 28/6, đại diện các ngân hàng thương mại đã ngồi lại với nhau để cùng đánh giá chủ trương hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán trong Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây.

>>Theo dòng sự kiện

Đa số ý kiến từ các đại diện trên đều bày tỏ quan điểm chia sẻ với Ngân hàng Nhà nước về sự cần thiết đưa ra chủ trương này. Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều.

Lợi nhuận lớn, rủi ro cao

Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng trong hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở các ngân hàng thương mại hiện nay đang ở mức thấp, khoảng 2,5% tổng dư nợ. Cá biệt có 12 ngân hàng cổ phần đã cho vay vượt mức 3% mà Chỉ thị 03 đưa ra và bình quân là 7% tổng dư nợ.

Nhưng trong cuộc gặp sáng qua, một con số lần đầu tiên được lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, chính thức đưa ra khiến bản thân lãnh đạo một số ngân hàng và các thành viên giật mình: tỷ lệ cho vay loại này tại một số ít ngân hàng thương mại, chủ yếu là ngân hàng nhỏ, lên tới 40 - 50% tổng dư nợ, một tỷ lệ chưa từng có trong nghiệp vụ này và có thể khó lặp lại trong tương lai.

Khi đề cập đến tỷ lệ 7% và 40 - 50% nói trên, chính lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã thực sự lo ngại và cho rằng việc hạn chế là cần thiết, tránh những đổ vỡ có thể xẩy ra. Các đại diện đến từ khối ngân hàng quốc doanh, dù chỉ có tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán dưới 2% đều có cùng quan điểm là hết sức thận trọng trong hoạt động cho vay này.

Ông Nguyễn Khắc Thân, Phó tổng giám đốc BIDV, khẳng định BIDV vẫn còn “room” để tiếp tục cho vay loại này nhưng chắc chắn trong thời gian tới sẽ điều chỉnh theo hướng thận trọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (Incombank), lý giải: “Trong hoạt động kinh doanh, thường thì ở đâu có lợi nhuận cao thì rủi ro cũng cao”. Với những ngân hàng, dù số ít, có tỷ lệ 40 - 50% tổng dư nợ nói trên (vì tính chất nhạy cảm nên tên cụ thể không được công bố), lợi nhuận từ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng rất lớn. Nhưng vì chính lợi nhuận lớn, rủi ro cao nên ông Thạnh cho rằng cần cảnh giác trước những nguy cơ đổ vỡ, và theo đó chủ trương hạn chế và kiểm soát chặt của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.

“Chúng ta cũng từng chứng kiến những trường hợp tổ chức tín dụng dù quy mô nhỏ nhưng khi rủi ro đã ảnh hưởng dây chuyền đến cả hệ thống”, ông Thạnh nói thêm. Và riêng Incombank, tỷ lệ hiện tại khoảng 0,6%, dự kiến sẽ giảm còn 0,3% trong thời gian tới.

Ngoài sự lo ngại trước đặc thù của loại hình cho vay này, hầu hết ý kiến từ các ngân hàng quốc doanh còn ủng hộ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước bởi lẽ thị trường chứng khoán còn quá mới mẻ với những biến động khó lường. Quan điểm chung là các ngân hàng nên vì mục tiêu ổn định lâu dài mà tránh lệ thuộc vào lợi nhuận lớn trước mắt, tránh để xẩy ra đổ vỡ mới “phanh” khi mọi sự đã rồi.

Thiếu quy định rõ ràng

Hầu hết các ý kiến từ các ngân hàng thương mại đều đề cập đến yêu cầu phải rõ ràng hơn trong Chỉ thị 03, rõ ràng ở những loại hình nghiệp vụ và đối tượng, bởi họ là những người thực thi và trực tiếp chịu ảnh hưởng từ những quy định đó.

Trong Chỉ thị 03, điểm mà không chỉ các ngân hàng mà cả nhà đầu tư cũng như giới quan sát đặt câu hỏi trong thời gian qua là khái niệm “chứng khoán” được hiểu như thế nào, gồm những đối tượng nào thuộc diện giới hạn tỷ lệ 3% tổng dư nợ?

Tại các ngân hàng quốc doanh cũng như phổ biến ở khối cổ phần, các loại trái phiếu như trái phiếu Chính phủ, đô thị, địa phương, trái phiếu Kho bạc... là một loại chứng khoán đang được nhận cầm cố như một tài sản giá trị và có hệ số an toàn cao, thậm chí một số đại diện ngân hàng còn đề cập đến cả trường hợp sổ tiết kiệm của người dân cũng được xem là “giấy tờ có giá” được nêu trong Chỉ thị 03.

Từ những câu hỏi trên, câu trả lời gián tiếp là sự ngầm hiểu của các ngân hàng thương mại, rằng Ngân hàng Nhà nước đặt đích ngắm trong khái niệm “chứng khoán” ở đây là cổ phiếu niêm yết và trên thị trường tự do (OTC). Tuy nhiên, sự thiếu cụ thể, rõ ràng trên cũng tạo bức xúc nhất định.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Á châu (ACB) cho rằng, khi xây dựng Chỉ thị 03, Ngân hàng Nhà nước chưa có được sự cẩn thận cần thiết. Chỉ thị là một văn bản pháp luật bắt buộc, có ngày hiệu lực, nhưng các ngân hàng không thể một sớm một chiều rút ngay vốn về mà phải có lộ trình.

Và những ý kiến ngược chiều

Thời điểm đại diện các ngân hàng ngồi lại với nhau, Chỉ thị 03 đã ban hành và chuẩn bị có hiệu lực, nhưng những đánh giá và góp ý vẫn diễn ra khá sôi nổi và có cả những căng thẳng.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp từ báo chí, từ các ngân hàng thương mại... Nhưng những đóng góp này liệu đã lỡ nhịp vì một văn bản quan trọng vừa ban hành, chưa có hiệu lực lại có thể sửa đổi?

Vì sự lỡ nhịp đó, nhiều ý kiến bức xúc khi cho rằng họ không có được tiếng nói, không được tham gia góp ý khi Ngân hàng Nhà nước xây dựng và ban hành Chỉ thị 03, thậm chí một số ngân hàng tỏ ra bất ngờ với chủ trương này. Và có cả những đại diện cho rằng chủ trương đó là sự “lo thay” cho các ngân hàng thương mại.

Theo một đại diện từ khối ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng hiện vẫn đang “êm ấm” với hoạt động cho vay này, bản thân họ nhận thấy đây là một nghiệp vụ nhiều rủi ro và tự kiểm soát chính mình. “Các ngân hàng vẫn đang làm rất tốt và chưa có ngân hàng nào tỏ ra quan ngại cả. Thậm chí tỷ lệ có lên đến 10 – 15% cũng không quá lo ngại”, đại diện này nói.

Ngoài ra, một ý kiến khác cho rằng nên chăng các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư trong nước, nhất là khi thị trường chứng khoán mới bắt đầu, nhà đầu tư trong nước thiếu vốn và lép vế so với nhà đầu tư ngoại. Bản thân thị trường chứng khoán cũng cần hỗ trợ vốn để phát triển và những ngân hàng nào, chủ yếu khối quốc doanh, chưa đầy “room” thì nên tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư trong khả năng của mình.

Còn theo ý kiến ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra một hệ số rủi ro trong hoạt động cho vay này và các ngân hàng thương mại sẽ tự lo liệu.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định rằng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong chủ trương này sẽ không có thay đổi nhiều. Văn bản hướng dẫn cũng đã ban hành, trong đó nhấn mạnh “không khuyến khích cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, kể cả có thế chấp”.

Chủ trương đó, theo vị đại diện Ngân hàng Nhà nước là đã thống nhất và đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía.