16:42 19/03/2024

Cho ý kiến về dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”

Đỗ Mến

Ngày 19/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho ý kiến về dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOET.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOET.

Dự Phiên họp có các Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND các thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam.  

NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC

Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Bộ Giáo dục Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Chiến lược.

Cụ thể, tổ chức triển khai nghiên cứu các đề tài cấp nhà nước cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược. Tổ chức thu thập số liệu, báo cáo có liên quan đến Chiến lược trong thời gian từ 2011-2020; tiến hành khảo sát trực tiếp tại 80 cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, UBND các cấp và các sở, ban, ngành liên quan đại diện cho các vùng miền trong cả nước.

Tổ chức đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tổ chức thực hiện Phân tích ngành giáo dục, hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với sự hỗ trợ kĩ thuật của Viện Lập kế hoạch Paris và tổ chức UNESCO; Kế hoạch phát triển giáo dục đại học với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Tổ chức xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, các cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan về dự thảo Chiến lược.

Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo trực tiếp, trực tuyến tham vấn lấy ý kiến góp ý của các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, Uỷ viên Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, các chuyên gia nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên các cơ sở giáo dục trên cả nước về dự thảo Chiến lược.

Tổ chức hơn 100 cuộc tọa đàm, xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia thuộc tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: UNESCO, UNICEF, ngân hàng thế giới, hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, VVOB, PLAN…

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 gồm 5 phần: Quan điểm; Mục tiêu, Tầm nhìn đến năm 2045; Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kinh phí thực hiện; Tổ chức thực hiện.

Chiến lược xác định 5 quan điểm với mục tiêu tổng quát là phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.

Từ mục tiêu tổng quát, Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu cụ thể đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên đến năm 2025 và năm 2030.

Về tầm nhìn đến 2045, dự thảo Chiến lược xác định, nền giáo dục Việt Nam phát triển hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

CẦN SỚM BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC 

Tại Phiên họp, các Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đại diện các Ban, Bộ, ngành, địa phương đã có những trao đổi góp ý đối với Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, tập trung vào quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và một số chỉ tiêu cụ thể đối với các bậc học đảm bảo phù hợp cho từng giai đoạn.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; quá trình xây dựng chiến lược tích hợp được nhiều nguồn đánh giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 sẽ sớm được ban hành để các bên tổ chức thực hiện.

Trao đổi tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về quá trình xây dựng Chiến lược công phu và khó khăn trong gần 2 năm qua, trong đó Bộ đã làm việc lấy ý kiến nhiều lần từ các Bộ, ngành về từng chỉ tiêu của Chiến lược.

Bộ trưởng cũng đồng thời làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu đề cập, nêu ý kiến tại Phiên họp như hệ thống giáo dục mở, liên thông, phổ cập giáo dục, vấn đề đầu tư cho giáo dục…

Riêng về tỷ lệ phân luồng sau THCS, Bộ trưởng cho rằng, hiện chưa có căn cứ thuyết phục về tỷ lệ này.

Theo Bộ trưởng, căn cứ của phân luồng, hướng nghiệp là dựa trên nhu cầu tự nguyện của học sinh, còn nhà nước phải đảm bảo 100% chỗ học nếu các cháu có nhu cầu. Do đó, cần giải toả cho các địa phương về tỷ lệ phân luồng, hướng nghiệp để đảm bảo đầu tư đủ trường học cho 100% học sinh.

Trước ý kiến cho rằng cần cụ thể hơn nữa về tầm nhìn phát triển giáo dục đến 2045, Bộ trưởng chia sẻ: Càng tầm nhìn xa càng không cụ thể được. Cần thống nhất những gì đã là trường tồn, bất biến của giáo dục và việc trang bị kiến thức nền tảng, khả năng thích ứng, điều chỉnh của học sinh đến năm 2045 mới là quan trọng. Đó chính là “lấy bất biến để ứng vạn biến trong giáo dục”.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá quá trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 được thực hiện công phu, trong đó lồng ghép cùng với quá trình tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đã nhìn nhận được được kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, chỉ ra được những hạn chế, tồn tại của giai đoạn này.

Nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW là đúng đắn và cần kiên trì thực hiện đến cùng, Phó Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh mới, Chiến lược có thể đưa thêm các quan điểm, mục tiêu nhưng phải kỹ lưỡng, tính toán. Do thời điểm đến năm 2025 chỉ còn một năm, vì vậy, Phó Thủ tướng thống nhất Chiến lược phát triển giáo dục sẽ xác định các mục tiêu đến năm 2030.

Để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại, xác định rõ những mục tiêu đã đạt được, chưa đạt được của giai đoạn trước, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, chọn lọc.

Việc đảm bảo phối hợp liên ngành dọc, ngang; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, vai trò quan lý nhà nước của Bộ Giáo dục Đào tạo… trong tổ chức thực hiện Chiến lược cũng là những lưu ý của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.