21:54 22/04/2008

Chọn đối tác chiến lược: Vietcombank có bị ép?

Minh Đức

Vietcombank đang đứng trước những bất lợi trong đàm phán chọn đối tác chiến lược

Dù gặp bất lợi, khó khăn nhất định nhưng Vietcombank vẫn sẽ không giảm tiêu chí lựa chọn cũng như những điều kiện ràng buộc đối với các đối tác chiến lược.
Dù gặp bất lợi, khó khăn nhất định nhưng Vietcombank vẫn sẽ không giảm tiêu chí lựa chọn cũng như những điều kiện ràng buộc đối với các đối tác chiến lược.
Vietcombank đang đứng trước những bất lợi trong đàm phán chọn đối tác chiến lược.

Ngày 26/4 tới, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức đại hội cổ đông lần đầu, tạo bước chuyển mới về mô hình hoạt động sau 45 năm có mặt trên thị trường.

Một tâm điểm quan tâm của các cổ đông ngân hàng này tại đại hội tới sẽ là tiến độ và kết quả quá trình lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài. Đây là kế hoạch đã được đề cập nhiều, nhưng thông tin định hướng kết quả đến thời điểm này vẫn là chưa đủ với những người quan tâm.

Điểm đặc biệt của quá trình cổ phần hóa Vietcombank là sự thay đổi vào “phút cuối”: tiến hành IPO trước rồi mới tìm đối tác chiến lược. Sự thay đổi này xuất phát từ khó khăn trong đàm phán giá bán với các ứng viên trước đó.

Đi cùng với thay đổi trên, theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, giá bán cổ phần của Vietcombank cho đối tác chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công bình quân khi ngân hàng này thực hiện IPO; cũng như theo quy định của Nghị định 109/NĐ-CP.

Với thực tế hiện nay, đối chiếu với những định hướng trên, Vietcombank đang gặp những khó khăn nhất định trong đàm phán với các ứng viên.

Trước hết, đó là giá bán. Giá cổ phiếu Vietcombank trên thị trường tự do (OTC) hiện chỉ còn khoảng 53.000 – 55.000 đồng; thấp hơn nhiều so với giá đấu thành công bình quân thực tế IPO là 107.572,7 đồng/cổ phiếu; thấp hơn cả giá bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên.

Đối chiếu với những quy định trên, mức giá hiện tại là một bất lợi đối với ứng viên được chọn là đối tác chiến lược, cũng như bất lợi đối với Vietcombank trong đàm phán. Thực tế trên đặt ra câu hỏi ngân hàng này có bị các ứng viên đối tác chiến lược “ép”? Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho biết cũng đã tính đến điều này, dù câu trả lời trực tiếp không thể đưa ra vì nằm trong danh mục không được công bố.

“Giá trị OTC như thế, thị trường đánh giá thấp hơn thì cũng là một lợi thế cho người mua, người ta bảo hàng ông có sao thì mới rẻ. Tôi không phủ nhận điều đó, nó cũng tác động không lợi cho việc nâng giá lên… Giá giảm xuống thì đó là điều phải chấp nhận, vì đó là thị trường, do cung – cầu thị trường”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Bình, là nhà đầu tư chân chính và hiểu biết thì sẽ căn cứ nhiều hơn vào giá trị nội tại, vào giá trị thực chất của doanh nghiệp theo khả năng đánh giá của họ. Còn những mức giá được đặt ra trong đàm phán, theo quy định, Vietcombank không thể tiết lộ.

Ngoài giá bán, vấn đề thời gian cũng là một áp lực và tạo sức ép nhất định đối với Vietcombank, gián tiếp tạo lợi thế cho các ứng viên. Đó là trong đại hội cổ đông đầu tiên, Vietcombank sẽ không có cổ đông chiến lược nước ngoài; và không loại trừ khả năng cũng không kịp lựa chọn khi tiến hành niêm yết.

Việc đàm phán, lựa chọn đối tác chiến lược kéo dài có thể ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông; bởi mong muốn của họ là “nơi mình gửi gắm vào phải đầy đủ, phải đủ lông đủ cánh” (theo lời ông Bình). Mặt khác, sự có mặt của đối tác chiến lược tại thời điểm niêm yết cũng mang lại những giá trị và ý nghĩa cần thiết.

Có thể Vietcombank đang chịu áp lực thời gian trong kế hoạch này và các ứng viên “lợi dụng” áp lực đó để ép thêm trên bàn đàm phán. Nhưng ông Bình cho biết Vietcombank sẽ làm dần từng bước, vấn đề nào nóng sẽ làm trước và không cứng nhắc cứ phải có đối tác chiến lược trước rồi mới niêm yết, hoặc ngược lại.

“Vấn đề là có hay không? Ai? Và khi có được thì giá trị của anh như thế nào? Đấy là điều quan trọng hơn. Còn có chỉ để mà có, chỉ để không thiếu thì tôi nghĩ không quan trọng. Trách nhiệm của chúng tôi là tìm những đối tác chiến lược nào đó thật tốt, tôi không dám nói là xứng tầm, nhưng là tốt, có lợi cho Vietcombank, lợi cho quốc gia và cho các cổ đông nữa. Còn nếu vì một nguồn lợi tài chính ngắn hạn thì không nên, vì đây nên là nguồn tài chính dài hạn”, ông Bình nói thêm.

Hiện không có mốc xác định về thời điểm cụ thể Vietcombank “phải” chọn xong đối tác chiến lược nên áp lực về thời gian không chuyển thành sức ép rõ ràng trên bàn đàm phán. Nhưng ông Bình cho biết “chúng tôi cũng thầm lên một kế hoạch là cố gắng đạt được trong năm 2008”.

Về phía Vietcombank, bên cạnh những bất lợi nói trên, lợi thế vẫn tiếp tục có được khi nhiều tổ chức nước ngoài đang quan tâm. Ngoài việc tiếp tục đàm phán với các ứng viên hiện có, có thể ngân hàng này sẽ hướng đến những ứng viên mới; nhưng tên tuổi cụ thể không được công bố.

Và dù gặp bất lợi, khó khăn nhất định trong đàm phán, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định Vietcombank vẫn sẽ không giảm những tiêu chí lựa chọn cũng như những điều kiện ràng buộc đối với các đối tác chiến lược.