Chủ động phòng chống mưa lũ
Mưa lũ tại Nam Trung Bộ trong 4 ngày qua đã khiến 60.000 ngôi nhà bị ngập lụt, 6.000 hộ dân phải sơ tán, 10 người chết và mất tích, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp ứng phó với mưa lũ ở miền Trung vào sáng 1/12.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 27/11 đến 30/12, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên xảy ra mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 300-500mm.
Tính đến sáng 1/12, mưa lũ đã làm ngập lụt gần 59.739 ngôi nhà (Bình Định ngập 31.100 nhà, Phú Yên ngập 28.639 nhà); 4.704 hộ dân hiện đang bị chia cắt, có nơi ngập sâu từ 1-2m.
Đến thời điểm này, các địa phương đã sơ tán tại chỗ hơn 6030 hộ dân. Thiệt hại về người trong đợt mưa lũ này, đã có 10 người chết và mất tích (Bình Định 3 người, Phú Yên 6 người, Kon Tum 1 người),
Về Giao thông: ngập và sạt lở gây ách ách tắc các tuyến đường Quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc Lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.
Về nông nghiệp: 641 ha lúa bị thiệt hại; 416.5 ha hoa màu bị thiệt hại; 2.858 gia cầm bị chết. Về Thủy lợi: 1.540m kè và 17.143m kênh mương hư hỏng (Bình Định), 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 5.410m, Quảng Ngãi 3.900m).
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 1/12, khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và khu vực Nam Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa 20-40mm, có nơi trên 50mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) khi phát biểu về sự chủ động, dự báo, quy hoạch hệ thống trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020: “Chúng ta không thể cứ mưa lũ thì "bồng bế" nhau lên non”.
Các địa phương từ thượng nguồn đến vùng hạ du cần chủ động đưa cuộc sống của người dân trở lại điều kiện bình thường một cách sớm nhất. Tình nước lũ đang đi xuống, nhưng hôm nay và vài ngày tới nhiều địa phương vẫn còn mưa, vì vậy yêu cầu các đơn bị cần phải chủ động, không được lơ là, mất cảnh giác.
“Cho đến giờ đất đai, núi đồi đã tích nhiều nước, từ người dân đến chính quyền đã mệt mỏi. Chỉ cần một bất cẩn nhỏ thôi cũng có thể xảy ra những điều đáng tiếc”, Bộ trưởng cảnh báo.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa chuyển đổi số vào công tác phòng, chống thiên tai, qua đó có thể nắm bắt được tình hình mưa lũ sớm và cụ thể hơn. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn bị dự báo khí tượng thủy văn với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai để có thể liên tục đưa ra những kịch bản thiên tai tới các địa phương.
“Nếu chỉ dự báo mực nước lũ cao nhiêu milimet thì người dân sẽ rất khó hình dung. Vừa qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng chuyển đổi số, chỉ trong 6 ngày ảnh vệ tinh đã có thể quét ra trà lúa phát triển như nào. Thế nên chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin vào dự báo mưa lũ, thiên tai một cách mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.